Chuyên mục  


ten_lua_trieu_tien.jpgTriều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18 ngày 12/7/2023. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ngày 13/7, các nhà phân tích cho rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên trong tuần này đã nêu bật quyết tâm đạt tiến bộ công nghệ của Bình Nhưỡng và làm gia tăng lo ngại về nguy cơ xảy ra đòn tập kích bất ngờ bằng tên lửa.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận nước này đã phóng ICBM Hwasong-18 hôm 12/7, đánh dấu vụ thử thứ hai của loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn mới sau vụ đầu tiên hồi tháng Tư vừa qua.

Tên lửa đã bay qua quãng đường 1.001,2km trong 4.491 giây ở độ cao tối đa 6.648,4km, trước khi lao xuống vùng biển phía Đông, cho thấy Bình Nhưỡng đang tăng tốc dự án ICBM bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế.

Theo ông Chang Young-keun - người đứng đầu trung tâm tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc, độ cao tên lửa đạt được trong cuộc thử nghiệm mới nhất là khoảng gấp đôi độ cao tối đa được ghi lại trong cuộc thử nghiệm hồi tháng Tư, qua đó phản ánh niềm tin ngày càng lớn của Bình Nhưỡng đối với loại tên lửa mới.

Trong cuộc thử nghiệm trước đó, Triều Tiên được cho là đã sử dụng phương pháp làm chậm quá trình tách tầng đầu tiên của tên lửa ba tầng, do đó làm giảm tốc độ cùng độ cao tối đa, nhằm mục đích thử nghiệm.

Phương pháp này dường như được sử dụng để kiểm tra các yếu tố cơ năng chính của động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn có lực đẩy cao, mà Bình Nhưỡng đã thực hiện cuộc thử nghiệm quan trọng đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái.

[HĐBA LHQ sẽ họp công khai về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên]

Tuy vậy, trong vụ thử hôm 12/7, Triều Tiên đã sử dụng phương pháp mà họ gọi là “chế độ bay đạn đạo tiêu chuẩn,” cho thấy Bình Nhưỡng phóng tên lửa mà không sử dụng phương pháp làm chậm quá trình tách tầng.

Chuyên gia Chang nhận định: “Vì (hiệu suất của tên lửa) đã được kiểm tra trong cuộc thử nghiệm trước đó, nên có vẻ như Triều Tiên đã không còn sử dụng phương pháp làm chậm quá trình tách tầng trong vụ thử lần này.”

Các nhà phân tích lưu ý thời gian bay của tên lửa là 74 phút 51 giây - khoảng thời gian dài nhất đối với tên lửa tầm xa của Triều Tiên - báo hiệu bước tiến rõ ràng trong nỗ lực có được các loại vật liệu chịu nhiệt dùng làm họng vòi phun tên lửa.

Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn cũng đặt ra thách thức an ninh nghiêm trọng đối với cả Hàn Quốc và Mỹ do nó có thể được triển khai sẵn sàng chiến đấu với tốc độ nhanh hơn nhiều so với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng - loại tên lửa đòi hỏi các quy trình chuẩn bị tốn nhiều thời gian trước khi phóng, bao gồm cả khâu nạp nhiên liệu.

Thách thức sẽ phức tạp hơn nếu Triều Tiên sử dụng các bệ phóng khó phát hiện, chẳng hạn như phương tiện vận chuyển di động trên đường bộ, cũng như các bệ phóng trên tàu hỏa và dưới nước.

Triều Tiên đang tập trung đa dạng hóa các nền tảng bệ phóng để cải thiện khả năng sống sót của tên lửa và tránh nguy cơ bị đánh chặn bởi hệ thống phòng thủ tên lửa và năng lực tấn công phủ đầu của Hàn Quốc.

Vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên khiến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản phản ứng mạnh mẽ.

Vụ phóng diễn ra sau những phàn nàn gay gắt từ phía Triều Tiên thời gian gần đây, cáo buộc máy bay do thám Mỹ vi phạm không phận trong các khu kinh tế của nước này.

Bình Nhưỡng cũng chỉ trích chuyến thăm gần đây của một tàu ngầm tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ tới Hàn Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ có các bước đáp trả./.

(Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020