Chuyên mục  


Kể từ sau khi ông Biden tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua tổng thống hồi cuối tháng 7, Nhà Trắng đã trải qua không ít xáo trộn. Một số cố vấn cân nhắc xin nghỉ để tham gia chiến dịch của bà Harris. Những người quyết định ở lại soạn thảo chương trình làm việc mới cho Tổng thống, phác thảo cách tiếp cận công chúng của ông trong những tháng cuối nhiệm kỳ, đề xuất các chính sách cần xem xét, các chuyến công tác tiềm năng và cách tương tác mới với truyền thông.

Chánh văn phòng Nhà Trắng Jeff Zients tháng trước trao đổi trực tuyến với khoảng 2.000 người thuộc các nhánh hành pháp để thảo luận về những tháng cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Biden. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đề cập về khả năng tăng cường các cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống với quan chức nước ngoài ở cả trong và ngoài nước với mục tiêu giữ gìn di sản ngoại giao.

Các quan chức chính quyền cơ bản đồng thuận về việc giảm thiểu lịch trình hoạt động công khai của Tổng thống. Theo hai quan chức, Tổng thống Biden dự kiến giảm số lượng các bài diễn văn xuống để mỗi lần ông phát biểu sẽ tạo ra tiếng vang lớn hơn, với những phần trình bày có nội dung thực chất hơn, nhiều thông tin hơn, tập trung chủ yếu vào các thành tựu của chính quyền.

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại sự kiện vận động ở Raleigh, bang Bắc Carolina, ngày 28/6. Ảnh: AP

Các trợ lý Nhà Trắng dẫn chứng bài phát biểu của Tổng thống Biden khi thông báo về cuộc trao đổi tù nhân lịch sử với Nga, nhấn mạnh những diễn văn như vậy sẽ là điều họ theo đuổi. Đây là cuộc trao đổi tù nhân giữa Nga và phương Tây lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Thỏa thuận này là kết quả của nhiều tháng đàm phán phức tạp, với sự phối hợp cùng các đồng minh, liên quan đến 7 quốc gia.

Trong bài phát biểu đó, ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với các đồng minh, tạo tương phản với chủ nghĩa biệt lập và quan điểm "nước Mỹ trên hết" của ông Trump.

"Nếu có ai thắc mắc liệu đồng minh có quan trọng không: Họ vô cùng quan trọng", ông Biden nhấn mạnh. "Hôm nay là một ví dụ mạnh mẽ cho thấy bạn bè trên thế giới quan trọng đến thế nào. Những người bạn mà chúng ta có thể tin tưởng, làm việc cùng và dựa vào nhau, đặc biệt là trong những vấn đề có tác động lớn và nhạy cảm như thế này".

Trong chính trường Mỹ, các tổng thống sắp mãn nhiệm đã cố gắng đưa ra những chính sách quan trọng trong những tháng cuối nhiệm kỳ.

Năm 2008, Tổng thống George W. Bush đã ký thành luật một gói cứu trợ trị giá 700 tỷ USD cho ngành dịch vụ tài chính, vài tuần trước khi ông Barack Obama đánh bại ứng cử viên Cộng hòa John McCain. Ông Bush cũng đã phê duyệt khoản 17 tỷ USD để duy trì ngành công nghiệp ôtô của Mỹ khi nền kinh tế suy thoái.

Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton khởi động các cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Israel Ehud Barak và lãnh đạo Chính quyền Palestine Yasser Arafat tại Trại David, Maryland, trong nỗ lực nhằm mang đến hòa bình ở Trung Đông. Cuối cùng, nỗ lực này không thành công.

Ông Biden cũng đang nỗ lực hướng đến chiến thắng ngoại giao lớn là mang đến thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Các cuộc đàm phán đã diễn ra trong vài tuần gần đây tại Ai Cập, Qatar và dự kiến được tiếp tục.

Aaron David Miller, cựu nhà đàm phán hòa bình Trung Đông của Mỹ, cho rằng thỏa thuận ngừng bắn "đang đến gần hơn bao giờ hết".

Trong khi đó, Gordon Gray, cựu đại sứ Mỹ tại Tunisia, hiện là giáo sư Trường Quan hệ Quốc tế Elliott thuộc Đại học George Washington, có cái nhìn bi quan hơn.

"Nhóm an ninh quốc gia của ông Biden đã bị kéo căng giữa Ukraine và Gaza. Họ có quá nhiều việc phải làm", Gray nhận xét. "Thực tế là có thể không có đủ thời gian cho những đột phá lớn".

Nhà Trắng và các trợ lý chính trị cũng đang thảo luận về việc thỉnh thoảng để Tổng thống Biden đi vận động tranh cử cho Phó tổng thống Kamala Harris. Theo các nguồn tin am hiểu vấn đề, bà Harris muốn được ông Biden hỗ trợ ở những nơi mà Tổng thống có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, đặc biệt là trong nhóm cử tri da trắng lớn tuổi tại các bang mà ông đã giành chiến thắng vào năm 2020, như Pennsylvania hay Michigan.

Ông Biden dự kiến lần đầu tiên xuất hiện trong sự kiện vận động tranh cử cho bà Harris vào ngày 2/9 ở Pennsylvania. Khoảnh khắc Tổng thống Biden đứng cùng sân khấu với Phó tổng thống Harris được coi là đặc biệt quan trọng đối với đảng Dân chủ.

"Tổng thống vẫn tập trung vào việc nhấn mạnh những kết quả tốt đẹp ông đã làm được cho người dân Mỹ, đồng thời nỗ lực xây dựng nền tảng ủng hộ cho Phó tổng thống Harris cùng Thống đốc Walz", TJ Ducklo, người phát ngôn của ông Biden, nói. "Ông ấy mong muốn sớm được tham gia cùng họ trên con đường này để chỉ trích chương trình nghị sự nguy hiểm của Donald Trump và nói về tầm nhìn của Harris-Walz cho tương lai".

Tuy nhiên, một số người cho rằng việc ông Biden xuất hiện có thể mang lại những tác động tiêu cực cho chiến dịch tranh cử của bà Harris.

Ông Biden chưa bao giờ thu hút được đám đông lớn như cựu tổng thống Trump, cựu tổng thống Barack Obama hay Phó tổng thống Harris khi bà bắt đầu chiến dịch tranh cử. Sự xuất hiện trong của ông tiềm ẩn một số rủi ro khi chúng nhắc nhở người dân Mỹ nhớ về lý do tại sao họ không muốn ông tái tranh cử, giới chuyên gia nhận xét.

"Sẽ rất khó xử. Tôi chắc chắn Tổng thống Biden muốn ra ngoài đó và bảo vệ thành tích của mình. Nhưng bà Harris muốn hướng cuộc bầu cử này về tương lai", chiến lược gia đảng Cộng hòa Alex Conant, bình luận. "Tôi nghi ngờ việc Tổng thống Biden vận động tranh cử với Phó tổng thống Harris sẽ mang lại những kết quả có ý nghĩa. Đảng Dân chủ muốn cuộc đua tập trung vào Harris và Trump, chứ không phải 4 năm nữa của Biden".

Cornell Belcher, nhà thăm dò dư luận của đảng Dân chủ, cho rằng khi đi vận động cho bà Harris, Tổng thống Biden sẽ phát biểu tập trung vào một số thành tựu nổi bật, như luật cơ sở hạ tầng và việc hạ giá thuốc, nhắm đến những cử tri lớn tuổi, những người lao động, đặc biệt là các vấn đề như an sinh xã hội và hưu trí.

"Ông ấy cần tập trung vào thông điệp truyền lại sức mạnh và di sản của mình", Belcher nói thêm.

Vũ Hoàng (Theo Politico, AFP, Reuters, AP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020