Lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Pháp Marine Le Pen phát biểu ngày 9-6 - Ảnh: AFP
Ngày 9-6, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) năm 2024 chính thức khép lại. Theo cập nhật của Hãng tin AFP sáng 10-6 (giờ Việt Nam), các đảng cực hữu đã đạt được những thắng lợi đáng kể, nhất là ở những quốc gia được phân bổ số ghế lớn như Pháp, Đức...
Tuy chưa thể đạt đa số ghế, phe cực hữu của châu Âu vẫn được cho là đã cực kỳ thành công trong cuộc bầu cử này. Kết quả chính thức của cuộc bầu cử EP chắc chắn sẽ làm thay đổi đáng kể diện mạo đời sống chính trị châu Âu.
Nghị viện châu Âu là gì?
Nghị viện châu Âu biểu quyết trong phiên họp hồi tháng 2-2023 - Ảnh: REUTERS
EP là một trong bảy cơ quan trực thuộc Liên minh châu Âu (EU) và là cơ quan duy nhất do cử tri châu Âu trực tiếp bầu ra.
Về vai trò, EP là một trong hai cơ quan lập pháp chung của EU, bên cạnh Hội đồng Liên minh châu Âu (khác với Hội đồng châu Âu).
Khác với Hội đồng Liên minh châu Âu, vốn bao gồm 27 bộ trưởng đại diện cho mỗi nước thành viên, EP lại được bầu trực tiếp bởi lá phiếu của gần 450 triệu người dân châu Âu. Đến nay, EP vẫn là cơ quan lập pháp đa quốc gia được bầu trực tiếp duy nhất trên thế giới.
Về bản chất, EP đóng vai trò giống hạ viện trong một chế độ lưỡng viện, với Hội đồng Liên minh châu Âu là thượng viện. Quyền lực lập pháp của hai cơ quan này tương đương nhau.
Mỗi dự luật chung của EU trước tiên đều phải được Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp chung của khối - đề xuất với hai cơ quan lập pháp. Dự luật này sau đó cần có sự thông qua của cả hai cơ quan để có thể thành luật.
Bên cạnh đó, EP còn nắm quyền phủ quyết việc bổ nhiệm chủ tịch Ủy ban châu Âu nói riêng và toàn bộ thành viên của cơ quan này.
Bầu cử EP diễn ra 5 năm một lần. Toàn bộ các đảng phái chính trị ở 27 nước thành viên EU đều được tham gia tranh cử. Trong cuộc bầu cử năm 2024, số ghế tại EP được nâng từ 705 lên thành 720 ghế nhằm phản ánh sự thay đổi trong cơ cấu dân số các nước thành viên.
Cuộc bầu cử năm 2024 diễn ra từ ngày 6 đến 9-6. Mỗi quốc gia thành viên tự quyết định ngày bầu cử của mình. Có đến 20 quốc gia (bao gồm những nước lớn nhất EU như Đức, Pháp, Tây Ban Nha...) chọn bỏ phiếu duy nhất trong ngày cuối cùng 9-6.
Cục diện bầu cử năm 2024
Đồng lãnh đạo Đảng AfD cực hữu ở Đức Tino Chrupalla (phải) và Alice Weidel (trái) ăn mừng chiến thắng khi có kết quả sơ bộ bầu cử Nghị viện châu Âu ngày 9-6 - Ảnh: AFP
Bầu cử EP năm 2024 diễn ra trong bối cảnh các đảng phái cực hữu đang ngày càng được ưa chuộng tại nhiều nước, đặc biệt là hai quốc gia đứng đầu Pháp, Đức. Do đó, cuộc bầu cử này được xem như phép thử của các đảng phái châu Âu trước thềm các cuộc bầu cử của chính quốc gia mình.
Kết quả sơ bộ cho thấy phe trung dung, tự do và xã hội đã nhận một đòn đau. Dù không giành số ghế cao nhất tại EP, các đảng cực hữu lại giành số phiếu cao nhất ở Pháp, Ý, Áo và cao thứ nhì ở Đức.
Các đảng cầm quyền ở Pháp và Đức cùng thua đau, gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Ngay trong đêm 9-6, ông Macron đã cho giải tán hạ viện và kêu gọi bầu cử sớm nhằm cản đường phát triển của Mặt trận Quốc gia Pháp do bà Marine Le Pen lãnh đạo.
Việc phe cực hữu và thiên hữu giành được nhiều ghế tại EP hứa hẹn sẽ đẩy EU nghiêng về bên phải nhiều hơn. Sự cách biệt giữa phe này với phe trung dung và cánh tả bị thu hẹp hứa hẹn khiến việc thông qua các dự luật chung của châu Âu sẽ trở nên khó khăn hơn.