Ryan W. Routh, người mà truyền thông Mỹ cho là nghi phạm trong âm mưu ám sát ông Trump, tham gia một cuộc vận động ủng hộ Ukraine tại Kiev (Ukraine) hồi năm 2022 - Ảnh: REUTERS
Vụ việc xảy ra vào ngày 15-9 (giờ Mỹ), và nghi phạm tới nay được xác định là Ryan Wesley Routh - một người đàn ông 58 tuổi sống ở Hawaii. Đây là một diễn biến đáng chú ý nữa trong tiến trình bầu cử Mỹ nhiều bất ngờ.
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) chưa công bố nhiều thông tin chi tiết, nhưng đang điều tra theo hướng đây là một nỗ lực ám sát nhắm vào ông Trump.
Chính trường Mỹ sốc vì bạo lực
Ông Trump đã an toàn sau vụ việc nghi ám sát nêu trên. Tuy nhiên, đây là lần thứ hai chỉ trong vòng hai tháng cựu tổng thống Mỹ là nạn nhân của một kế hoạch ám sát. Điều này khiến dư luận đang nhìn thấy một bức tranh tăm tối của chính trường Mỹ vì bạo lực phủ bóng.
Nhiều ánh mắt đổ dồn về Mật vụ Mỹ - một cơ quan thực thi pháp luật liên bang có nhiệm vụ bảo vệ các lãnh đạo chính trị tại nước này. Âm mưu tấn công ông Trump vừa qua đang dẫn tới các thảo luận nghiêm túc về việc điều chỉnh hoạt động an ninh.
Trao đổi với tờ Guardian (Anh), một người phát ngôn của Cơ quan Mật vụ Mỹ khẳng định "chúng tôi đang sống trong một giai đoạn đầy nguy hiểm". Theo Cảnh sát trưởng Palm Beach Ric Bradshaw, ông Trump không phải tổng thống đương nhiệm nên việc bảo vệ ông không được thực hiện ở mức cao nhất.
"Nếu ông ấy là tổng thống, chúng tôi hẳn phải bao vây cả sân golf này. Song vì ông ấy không phải tổng thống, an ninh dành cho ông ấy chỉ giới hạn tại các khu vực mà Mật vụ cho rằng có thể", ông Bradshaw nói.
Michael Matranga, người từng tham gia bảo vệ cựu tổng thống Barack Obama trong Mật vụ, mô tả các nỗ lực ám sát nhắm vào ông Trump là "chưa từng có tiền lệ", và nói với tờ New York Times rằng phía Mật vụ nên cung cấp an ninh cho ông Trump như với một tổng thống.
Trong khi đó, Hãng tin AP dẫn lời dân biểu Đảng Dân chủ Ro Khanna (California) nói: "Hai nỗ lực ám sát trong vòng 60 ngày nhắm vào một cựu tổng thống và là ứng viên đề cử của Đảng Cộng hòa thật không thể chấp nhận.
Mật vụ phải tới Quốc hội vào ngày mai, nói cho chúng tôi biết họ cần nguồn lực gì để tăng cường công tác bảo vệ cũng như phân bổ nguồn lực ấy trong cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng cùng ngày".
"Chính trị hóa" vụ ám sát?
Nếu những gì xảy ra tại Palm Beach đúng là một vụ ám sát, điều này sẽ tác động thế nào tới hình ảnh của ông Trump trước cuộc bầu cử, và liệu rằng Đảng Dân chủ đối thủ sẽ tiếp nhận câu chuyện ra sao?
Hồi giữa tháng 7, khi vết đạn sượt qua đầu ông Trump tại Pennsylvania, nhiều người cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 có lẽ đã kết thúc. Ông Trump đã tận dụng đúng màn hút chết ấy để đưa ra thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh "không lùi bước", và hiện nay những người ủng hộ ứng viên Đảng Cộng hòa này cũng tiếp tục lấy âm mưu ám sát ở Palm Beach để làm điều tương tự.
Trong email liên kết với trang web kêu gọi ủng hộ chiến dịch tranh cử, ông Trump viết: "Không gì có thể kéo tôi lại. Tôi sẽ không bao giờ đầu hàng!".
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, đối thủ của ông Trump tại cuộc bầu cử tháng 11 tới, đã nhanh chóng lên án nỗ lực ám sát. Nhưng xét ở góc độ nhất định, bà Harris có thêm lý do để không muốn một âm mưu ám sát như vậy xảy ra vào lúc này.
Ứng viên Đảng Dân chủ vừa được báo chí tung hô với màn tranh luận "thắng" ông Trump, nay lại phải nhường sự chú ý của dư luận lại cho đối phương.
Từ năm 2016, giới quan sát đã cho rằng ông Trump luôn trở nên nổi bật và thu hút hơn sau các vụ xả súng, bạo lực. Một số người ủng hộ bà Harris hoặc không thích ông Trump hiểu rõ bản thân ông Trump và Đảng Cộng hòa có thể tận dụng vụ việc mới nhất này như thế nào.
Trong bài phân tích ngày 16-9, đài CNN cho rằng vụ Palm Beach sẽ có nguy cơ đẩy bạo lực chính trị Mỹ lên cao hơn nữa, tùy vào... phản ứng của ông Trump.
Theo lập luận của đài này, ông Trump đã có vẻ "kiềm chế" hơn sau khi thoát chết ở Pennsylvania, song cũng "quay trở lại với sự ồn ào của mình" và "lời lẽ của ông ta đã thậm chí trở nên cực đoan hơn". Nói cách khác, CNN lo ngại nguy cơ ông Trump sẽ càng làm chia rẽ đất nước nếu cố xoáy vào vụ ám sát này và cố gắng "chính trị hóa" nó.
Liệu đây có là một cách mổ xẻ vấn đề mang hơi hướng đổ lỗi cho nạn nhân hay không? Thực tế trong bài viết trên, bản thân CNN cũng chủ động rào đón bằng việc khẳng định không có lý do chính đáng nào để một nền dân chủ cố làm im lặng một nhân vật chính trị bằng bạo lực. Nhưng dù sao đi nữa, cuộc bầu cử 2024 ở Mỹ đang đầy sự thù hận.
Ukraine bác bỏ mối liên hệ với nghi phạm
Hôm 16-9, Ukraine đã lên án kế hoạch ám sát ông Trump cũng như nạn bạo lực chính trị. Phản ứng của Ukraine rất đáng chú ý khi nghi phạm Routh được biết là người ủng hộ Ukraine và chỉ trích ông Trump - người thường bị gắn liền với quan điểm cứng rắn trong chuyện viện trợ Ukraine.
Trong khi Kiev cố gắng bác bỏ mọi liên hệ với nghi phạm, phía Nga có thông điệp đầy ẩn ý. Khi được hỏi về cuộc điều tra của FBI đối với vụ ám sát trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Chúng tôi không phải người cần suy nghĩ trong tình huống này, mà đó là cơ quan tình báo Mỹ. Trong mọi trường hợp thì đùa với lửa luôn mang tới hậu quả".