Chuyên mục  


afp2024111336mc2yvv1highrescombouspoliticsappointmenttrumpmuskramaswamy-1731579374162997362295.jpg

Tỉ phú Elon Musk (bìa trái) và doanh nhân Vivek Ramaswamy (bìa phải) sẽ cùng đứng đầu Ban Hiệu suất chính phủ - Ảnh: REUTERS

Báo Guardian ngày 13-11 cho biết Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ để tỉ phú Elon Musk và cựu ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy cùng dẫn dắt Ban Hiệu suất chính phủ (DOGE) mới được thành lập.

Cơ quan này nắm giữ nhiệm vụ gì?

Ông Trump cho biết trong một tuyên bố rằng tỉ phú Musk và ông Ramaswamy sẽ cung cấp "lời khuyên và hướng dẫn" cho Nhà Trắng, đồng thời hợp tác với Cục Quản lý hành chính và ngân sách để “thúc đẩy cải cách quy mô lớn về cấu trúc trong chính phủ”.

Bên cạnh đó, đây sẽ là một cơ quan ngoài chính phủ, vì vậy không cần sự thông qua của Thượng viện để đi vào hoạt động.

Theo ông Trump, cặp đôi này "sẽ mở đường cho chính quyền Trump 2.0 tháo dỡ bộ máy hành chính, cắt giảm các quy định thừa, giảm chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang”.

Trước đó, ông Elon Musk đã bày tỏ mong muốn giảm số lượng các cơ quan liên bang từ hơn 400 xuống còn không quá 99.

Ngoài ra, tỉ phú Musk cam kết tính minh bạch trong hoạt động của DOGE, tuyên bố trên mạng xã hội X rằng mọi hành động của cơ quan này sẽ được đăng công khai trực tuyến để đảm bảo minh bạch tối đa và kêu gọi công chúng đóng góp ý kiến.

"Chúng tôi cũng sẽ có một bảng xếp hạng về những khoản chi tiêu cực kỳ ngớ ngẩn từ tiền thuế của người dân. Đây là điều vừa bi kịch vừa thú vị", ông Musk khẳng định.

Ông Trump cho biết cơ quan này sẽ hoạt động đến ngày 4-7-2026, một chính phủ nhỏ gọn và hiệu quả hơn sẽ là “món quà” dành cho nước Mỹ nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày ký Tuyên ngôn độc lập vào năm 2026.

Một số cố vấn của ông Trump hy vọng nhóm này sẽ noi theo mô hình của Ủy ban Grace, một trong bốn ủy ban lớn được thành lập trong bốn thập kỷ qua nhằm cải cách bộ máy hành chính liên bang và kiểm soát chi tiêu.

2024-11-14t100024z442819578rc2qu9ac3c5mrtrmadp3tesla-musk-autonomous-regulation-17315793741521085964037.jpg

Ông Musk xuất hiện cùng ông Donald Trump tại cuộc vận động ở bang Pennsylvania hồi tháng 10 - Ảnh: REUTERS

Hoài nghi tính khả thi

Tại buổi vận động tháng 10 của ông Trump ở Madison Square Garden (New York), tỉ phú Musk đã tuyên bố ngân sách liên bang có thể cắt giảm "ít nhất" 2.000 tỉ USD khi ông Trump lên nắm quyền.

Tuy nhiên, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, mục tiêu đầy tham vọng này sẽ vượt quá ngân sách chi tiêu tùy ý (bao gồm chi tiêu quốc phòng) dự kiến tiêu tốn 1.900 tỉ USD trong năm tài khóa kết thúc vào cuối tháng 9-2024.

Với vai trò cung cấp “lời khuyên và định hướng từ bên ngoài chính phủ” của bộ đôi, bà Elaine Kamarck, người từng quản lý chương trình cắt giảm chi tiêu của Chính phủ Mỹ năm 1990, cho rằng điều này không mang lại nhiều quyền hạn thực sự.

“Họ không có quyền lực, hoàn toàn không có quyền lực gì cả”, bà nói, nhưng cũng cho rằng sự ủng hộ từ tổng thống có thể giúp thuyết phục các nhà lập pháp ủng hộ những nỗ lực cải cách và nâng cao hiệu quả của chính phủ.

Hiện ông Trump chỉ mới phác thảo các nét chính của sáng kiến này mà không tiết lộ cách thức tổ chức nhân sự hoặc nguồn tài trợ.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng không trả lời về vấn đề kinh phí cho DOGE hoặc liệu ông Musk hay ông Ramaswamy có được trả lương cho công việc của họ trong dự án này hay không, Đài CBS News cho biết.

Ủy ban Grace được cố tổng thống Ronald Reagan thành lập vào năm 1982 để tìm cách cải tổ và giảm thiểu chi phí trong chính phủ liên bang. Vào tháng 1-1984, ủy ban này đã gửi hơn 2.500 đề xuất đến Nhà Trắng và Quốc hội, tuy nhiên hầu hết các đề xuất này không được thông qua hoặc áp dụng.

Sẽ còn rất nhiều vấn đề đáng để theo dõi sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, từ việc chuyển giao quyền lực đến việc ai sẽ góp mặt trong nội các của chính quyền Trump 2.0. Để không bỏ lỡ các thông tin, mời bạn đọc theo dõi trên Tuổi Trẻ Online tại đây.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020