Chuyên mục  


hinh-anh-ong-yoon-tren-bao-chi-17333606329552074627704.jpg

Báo chí Hàn Quốc đưa tin về sự kiện ban bố thiết quân luật ngày 4-12 - Ảnh: Nikkei Asia

Động thái của ông Yoon Suk Yeol được xem là "giọt nước tràn ly" sau những bất đồng giữa nhánh hành pháp và Quốc hội do Đảng Dân chủ đối lập kiểm soát. Sau tổng tuyển cử 2024, phe đối lập đã chặn nhiều dự luật, cắt giảm ngân sách chính phủ và luận tội nhiều thành viên nội các.

Theo nhận định của TS Celeste Arrington, giám đốc Viện nghiên cứu Hàn Quốc của ĐH George Washington, Tổng thống Yoon đã gặp khó khăn lớn trong việc triển khai chính sách khi không thể xúc tiến hay phủ quyết nhiều dự luật do phe đối lập tại Quốc hội thông qua - một thẩm quyền ông từng sử dụng rất nhiều trong nhiệm kỳ.

Không chỉ vậy, tỉ lệ ủng hộ ông Yoon đã giảm xuống còn 19% sau loạt bê bối, bao gồm cách chính quyền xử lý vụ giẫm đạp đêm 29-10-2022 tại Itaewon và bê bối liên quan đến túi hàng hiệu của Đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee.

Vì vậy, động thái ban bố thiết quân luật được xem là nỗ lực nhằm tái thiết lập thẩm quyền tổng thống. Bằng cách cáo buộc các chính trị gia phe đối lập là "thân Triều Tiên", ông Yoon hy vọng sẽ thu hút được sự ủng hộ của các tầng lớp bảo thủ trong xã hội Hàn Quốc.

Tuy nhiên, động thái này có thể ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp chính trị của Tổng thống Yoon. Mặc dù mong muốn huy động được ủng hộ, ông Yoon vô tình đã gợi lại những ký ức về thời kỳ quân quản tại Hàn Quốc những năm 1970 và 1980, khi mà các nhà hoạt động bị bắt giữ với cáo buộc là "gián điệp của miền Bắc".

Bên cạnh đó, theo TS Leif-Eric Easley, giáo sư quốc tế học tại Đại học Phụ nữ Ewha, ông Yoon có lẽ đã "quên" rằng với tỉ lệ ủng hộ thấp từ công chúng và việc thiếu đi sự hậu thuẫn từ nội bộ đảng và chính phủ của mình, việc thực thi một lệnh thiết quân luật như vậy chắc chắn là không thể.

Không chỉ ở trong nước, ông Yoon còn tạo ra một cơn khủng hoảng truyền thông quốc tế cho Hàn Quốc. Không chỉ vậy, hình ảnh quốc tế mà ông Yoon nỗ lực xây dựng như "một lãnh đạo dân chủ" gần như tan biến.

Tuy nhiên nếu nhìn nhận một cách toàn diện hơn, dù ông Yoon có từ chức hay không, những "cơn sóng ngầm" trong chính trị vẫn còn đó.

Nền chính trị Hàn Quốc được xem là sự đấu đá giữa các phe phái đối lập. Có thể thấy động lực sau "ván cược" của ông Yoon bắt nguồn từ nỗi lo bị truy tố sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Các cựu tổng thống Park Guen Hye, Lee Myung Bak và Roh Moo Hyun đều đã bị điều tra liên quan đến cáo buộc tham nhũng với những hệ quả pháp lý.

Không chỉ vậy, "cuộc chiến" tại quê nhà của ông Yoon còn báo hiệu cho những căng thẳng nằm sâu bên trong Hàn Quốc. Các vấn đề như suy thoái kinh tế, khủng hoảng nhà ở, già hóa dân số và bất ổn trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết.

Trước đó, chiến thắng của ông Yoon từng được xem là nhờ vào việc thu hút cảm tình từ những bất mãn trong xã hội. Ông theo đuổi các chính sách cứng rắn hơn với Triều Tiên, giải quyết bất bình đẳng giới và khủng hoảng nhà ở - những vấn đề từng khiến chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Moon Jae In mất điểm. 

Tuy nhiên, đến lượt ông Yoon, đảng của ông lại không thể giành được sự ủng hộ của công chúng, dẫn đến khó khăn trong việc thúc đẩy bất kỳ chính sách lớn nào.

Chính vì thế, dù được xem là một sự kiện "vô tiền khoáng hậu" trong lịch sử chính trị Hàn Quốc những năm gần đây, sự hỗn loạn do Tổng thống Yoon vừa gây ra thực chất chỉ là một giọt nước tràn ly cuối cùng gây nên bởi những hỗn loạn "phía sau cánh cửa" của nền chính trị và xã hội Hàn Quốc.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020