Nguồn: Phái đoàn EU tại ASEAN - Dữ liệu: Duy Linh - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Hai bên có nhiều khác biệt nhưng tương đồng cũng không ít, cùng chung mục tiêu hướng tới sự chung sống hòa bình giữa các nước.
Hôm nay 14-12, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Liên minh châu Âu (EU) kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ chính thức diễn ra tại Brussels (Bỉ) với sự tham gia của nhiều lãnh đạo ASEAN và EU.
Nhìn lại chặng đường đã qua, quan hệ hai bên đã đi lên từ những dè dặt ban đầu thành sự tin tưởng và ngày càng gắn bó trên nhiều mặt.
Nếu cùng hợp tác với nhau, chúng ta có thể là điểm tựa của sự ổn định, của chủ nghĩa đa phương, của một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans nói về triển vọng quan hệ ASEAN - EU.
Tôn trọng và cân bằng hơn
"Nếu nhìn lại lịch sử khi EU và ASEAN thành lập, mục tiêu của hai khối không phải nhằm thúc đẩy thương mại mà là vì hòa bình và an ninh trong khu vực, để tránh khu vực vướng vào một cuộc chiến.
Thế nhưng thương mại đã dần trở thành một công cụ giúp đạt được các mục tiêu về an ninh và hòa bình" - ông Xavier Nuttin, cố vấn cấp cao của Viện Nghiên cứu châu Á có trụ sở tại Bỉ, nhận xét trong loạt phỏng vấn kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ASEAN - EU do phái đoàn EU tại ASEAN chủ trì.
Khi nhắc đến ASEAN và EU ngày nay, nhiều người thường có xu hướng chỉ ra những khác biệt giữa hai bên hoặc cho rằng ASEAN sẽ nối gót EU, trở thành một tổ chức hội nhập sâu rộng hay một siêu quốc gia ở Đông Nam Á.
Trên thực tế, theo giới sử học và các nhà phân tích, ASEAN có nhiều điểm tương đồng với EU và không nhất thiết phải trở thành "một EU" trong tương lai. Ở chiều ngược lại, ASEAN hiện nay là trọng tâm của EU trong mọi cách tiếp cận và tương tác Á - Âu.
"Hai bên đã gặp nhiều trở ngại trên con đường tìm hiểu lẫn nhau. Vào thời điểm mới thiết lập quan hệ, sự hiểu biết về nhau không sâu sắc như hiện tại vì lúc đó hai bên thường tìm hiểu nhau thông qua một bên khác thay vì đối thoại trực tiếp" - bà Shada Islam, cố vấn chính sách cấp cao của Trung tâm Chính sách châu Âu (Bỉ), nói về giai đoạn khởi đầu của quan hệ ASEAN - EU.
Theo bà Islam, mặc dù ở giai đoạn đầu EU cũng là một tổ chức khu vực nhỏ như ASEAN, nhưng châu Âu thường có xu hướng áp đặt suy nghĩ ASEAN phải noi theo mình.
Ở chiều ngược lại, các nước ASEAN cũng thường than phiền về việc bị xem như "chiếu dưới" trong quan hệ với EU. "Nhưng trong 15 năm trở lại đây, mối quan hệ song phương đã có một sự chuyển biến đáng kể", bà Islam nhận định.
Thật vậy, mối quan hệ giữa EU và ASEAN đã phát triển từ quan hệ giữa nhà tài trợ và bên nhận viện trợ thành quan hệ đối tác thương mại bình đẳng. Đối với EU, dân số ngày càng tăng của ASEAN với gần 700 triệu người, chủ yếu là người trẻ và tầng lớp trung lưu đăng tăng dần, là một cơ hội kinh tế.
Chia sẻ quan ngại chung
EU cởi mở với ý tưởng về một hiệp định thương mại tự do toàn khối với ASEAN, và Hiệp định thương mại tự do ASEAN - EU mà hai bên đang chuẩn bị nối lại đàm phán là một dẫn chứng.
Hiệp định vận tải hàng không toàn diện vừa đạt được vào tháng 10-2022 là một minh chứng khác gần đây nhất cho thấy cả hai phía đều mong muốn kết nối chặt chẽ hơn. Đây đều là những chỉ dấu quan trọng sau khi hai bên nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2020.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài Channel News Asia trước thềm hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU, Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans xác nhận theo đuổi phát triển năng lượng sạch và thượng tôn trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là hai vấn đề chính sẽ được thảo luận tại hội nghị lần này.
EU sẽ tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững ở Đông Nam Á và tổ chức nhiều cuộc thảo luận ở cấp chính trị về cách giảm lượng khí thải carbon.
Đối với vấn đề Myanmar, EU được kỳ vọng sẽ thể hiện sự ủng hộ ASEAN trong cách tiếp cận hiện nay của khối, đó là không can dự vào công việc nội bộ của nước thành viên và nối lại đối thoại giữa các bên.
Trong các vấn đề địa chính trị, ASEAN và EU cùng chia sẻ quan ngại về cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, nhưng trong vấn đề này ASEAN được cho là có kinh nghiệm hơn.
Và với một EU "ngày càng khiêm tốn, biết lắng nghe hơn" như nhận xét của bà Islam, dư địa hợp tác giữa hai bên vẫn còn rất nhiều sau cột mốc 45 năm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Bỉ dự hội nghị
Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Bỉ. Thủ tướng sẽ thăm chính thức Vương quốc Bỉ và dự Hội nghị cấp cao ASEAN - EU tại đây- Ảnh: N.PHÚC
Sau khi kết thúc chuyến thăm chính thức Hà Lan, ngày 13-12 Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Bỉ để dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Liên minh châu Âu (EU) và thăm chính thức Vương quốc Bỉ.
Quan hệ ASEAN - EU được thiết lập vào năm 1977 và nâng lên thành đối tác chiến lược vào năm 2020. Đây là lần đầu tiên ASEAN và EU tổ chức hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ giữa hai bên.
Chuyến công tác tham dự hội nghị của Thủ tướng bao gồm nhiều hoạt động đa phương và song phương. Cùng với đó ông cũng thăm chính thức Vương quốc Bỉ, hội đàm, hội kiến với các lãnh đạo cấp cao nhất của Bỉ.
Thủ tướng sẽ làm việc với các tập đoàn kinh tế của Bỉ và dành thời gian gặp gỡ kiều bào Việt Nam tại đây. Chuyến thăm góp phần củng cố, tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Bỉ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế biển, nông nghiệp sinh thái.
Trước đó, trong chuyến thăm chính thức Hà Lan, sáng 12-12 Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Chiều cùng ngày, ông dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan.
Đến sáng 13-12 (giờ địa phương), tại thành phố La Haye, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc, tìm hiểu về mô hình quản lý, phát triển cảng Rotterdam.
TTXVN - BẢO ANH
TTO - Tiếp tục khẳng định Việt Nam không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải, nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế, đưa ra thông điệp cho nhà đầu tư là thông điệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra.