Chuyên mục  


soc-nhiem-trung-17146339428401126362611.jpg

Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang tích cực cứu chữa cho bé trai 7 tuổi bị sốc nặng, phải thở máy sau khi ăn bánh mì thịt - Ảnh: A.B.

Ngày 2-5, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết đang tích cực điều trị cho 6 bệnh nhi nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì.

Sốc nặng sau ăn bánh mì thịt

Theo đó, các bệnh nhi này được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh lên với triệu chứng nhiễm trùng đường ruột. Trong đó, 2 bệnh nhi trong tình trạng nặng, 4 bệnh nhi còn lại không nặng lắm.

Đặc biệt, bé trai T.Đ.N.A. (7 tuổi) vào viện trong tình trạng suy hô hấp, sốc nặng. Sau đó, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành cấp cứu, hồi sức, đặt nội khí quản, bù dịch chống sốc, truyền kháng sinh… cho bệnh nhi.

Tuy nhiên, tình trạng của bé trai vẫn còn khá nặng. "Hiện bé đang phải thở máy, truyền dịch chống sốc và dùng hai thuốc vận mạch để nâng huyết áp", vị lãnh đạo này nói.

Cũng theo vị lãnh đạo này, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh thông báo đang chuyển thêm một bệnh nhi trong tình trạng rất nặng lên điều trị.

Liên quan vụ việc, UBND TP Long Khánh (Đồng Nai) vừa có báo cáo vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì xảy ra trên địa bàn.

ngo-doc-banh-mi-2-17146346652601765156528.jpg

Nhiều bệnh nhân vẫn phải theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh nghi ngộ độc do ăn bánh mì thịt - Ảnh: A.B.

Hơn 220 người vào viện điều trị, theo dõi

Tính đến ngày 2-5, có tổng cộng 222 người nhập viện điều trị sau khi ăn bánh mì thịt tại tiệm Băng (phường Xuân Bình, TP Long Khánh).

Trong đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận 209 người, Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai tiếp nhận 13 người.

Qua kiểm tra, tiệm bánh mì Băng có quy mô phục vụ trên 1.000 ổ bánh mì/ngày (2 buổi). Nhân bánh mì gồm: thịt (tự chế biến), chả lụa, pate (tự làm), ngò, dưa leo, đồ chua (củ cải trắng và cà rốt muối chua), nước xốt (tự làm), da bao (mua bên ngoài).

Theo trình bày của chủ cơ sở, trong ngày 30-4, tiệm này phục vụ 1.100 ổ bánh mì (sáng 500 ổ và chiều 600 ổ).

Cũng theo báo cáo, tiệm bánh mì trên là diện bán hàng nhỏ lẻ, không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Tiệm có 4 nhân viên phục vụ bán bánh mì, không có khám sức khỏe định kỳ. Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu tự mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào dùng để chế biến.

Buộc cơ sở bán bánh mì ngưng hoạt động

Ngay sau sự việc xảy ra, đoàn kiểm tra liên ngành đã niêm phong tủ cấp đông tại cơ sở, trong đó có khoảng 15kg đồ chua đã qua chế biến, 1kg chả lụa, 1kg thịt heo đã qua chế biến, 4 khay pate trọng lượng khoảng 10kg.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng buộc cơ sở ngưng hoạt động từ 11h ngày 1-5.

UBND TP Long Khánh chỉ đạo Phòng y tế, Trung tâm Y tế báo cáo, đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp kiểm tra mẫu, điều tra, kết luận vụ việc.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã rà soát tăng cường kiểm tra các nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, hàng rong… trên địa bàn nhằm phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020