Clip: Vỡ túi nâng ngực trong thai kỳ
Cứu chữa kịp thời bảo vệ thai phụ và em bé an toàn, không cần dùng kháng sinh
Cách đây 8 năm, chị Vũ Minh Phương (sinh năm 1993) từng phẫu thuật thẩm mỹ ngực, nhưng chưa bao giờ đi khám kiểm tra định kỳ. Khi thấy vú sưng đỏ và căng đau cả tuần, cô vẫn tưởng do cương tắc tuyến sữa, nên đã cố gắng đi trọn chuyến du lịch cùng gia đình rồi mới đến bệnh viện kiểm tra. Sau đó, bác sĩ báo, cô bị vỡ túi nâng ngực và có dấu hiệu nhiễm trùng.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Vinh, Viện thẩm mỹ FV Lifestyle chia sẻ: "8 năm trước, chị Phương đặt túi ngực loại dung tích 253cc, phù hợp với cơ thể cô lúc đó. Tuy nhiên, lúc mang thai, tuyến vú phát triển để tiết sữa gây ra tình trạng sữa đi ngược từ mô tuyến vú vào trong khoang túi ngực tạo thành một ổ áp-xe và một ổ đầy mủ nâu sậm do nhiễm trùng và gel silicone tràn ra từ túi ngực vỡ".
Bác sĩ Trương Hoàng Vĩnh Khiêm - Khoa Chấn thương chỉnh hình FV, người phối hợp cùng với bác sĩ Thanh Vinh thực hiện ca mổ cho biết: "Cái khó của ca này là mọi biện pháp điều trị đều phải tính tới mẹ và bé vì thai phụ và thai nhi đều rất mong manh''.
Trong trường hợp này, nếu sử dụng kháng sinh sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Trong khi đó, vết thương nhiễm trùng này nếu để lâu sẽ phát triển thành nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.
Một ê-kíp gồm các bác sĩ Phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ sản khoa, và bác sĩ chấn thương chỉnh hình của FV đã cùng nhau hội chẩn và phối hợp chặt chẽ để có thể xử lý triệt để. Các bác sĩ đã mổ lấy túi ngực ra, làm sạch ổ nhiễm trùng bằng máy VAC với áp lực âm hút dịch, thay vì dùng kháng sinh. Các bác sĩ đã xử lý kỹ vết thương, tránh tình trạng nhiễm trùng lan rộng sẽ phá hủy mô mỡ, phá hủy mô tuyến vú, giúp vết thương lành từ trong ra để bảo tồn toàn bộ tuyến vú của bệnh nhân. Sau một tháng, ca điều trị thành công tốt đẹp, bảo vệ thai kỳ trọn vẹn cho chị Phương, cũng như bảo toàn chức năng nuôi con bằng sữa mẹ sau khi đứa bé chào đời.
Chị Minh Phương chia sẻ: "Dù biết đây là trường hợp rất hiếm gặp nhưng nếu lúc bình thường, tôi sẽ dễ tiếp nhận hơn là khi đang mang thai như vầy. Rất may tôi được các bác sĩ Bệnh viện FV tư vấn rõ ràng các bước thực hiện. Và càng yên tâm hơn khi bệnh viện có cơ sở vật chất hiện đại, các bác sĩ dày kinh nghiệm đã không dùng kháng sinh, nhằm bảo vệ em bé trong bụng".
Bác sĩ CKI Ngô Trung Nam, Khoa Sản phụ khoa chia sẻ: "Bệnh viện FV có hệ thống theo dõi sản phụ với monitor trung tâm. Trong thời gian nằm viện điều trị, bệnh nhân đeo máy trong phòng và chúng tôi theo dõi bên ngoài, vừa đảm bảo riêng tư vừa có thể chăm sóc bệnh nhân sát sao. FV cũng có tất cả các loại thuốc, từ đường uống, đường đặt âm đạo, đường tĩnh mạch đến dụng cụ vòng nâng hỗ trợ bà mẹ ngay khi có dấu hiệu dọa sinh non. Nhưng may mắn quá trình điều trị dọa sinh non không nghiêm trọng, các cơn gò giảm dần với liều dược tối thiểu, sau một tuần thì giảm hẳn".
Chị Phương không giấu được hạnh phúc sau một tháng điều trị và theo dõi thành công: "Suốt một tháng, đi đâu tôi cũng phải mang máy VAC hút dịch đi theo, vì con nên tôi phải chấp nhận thôi. Nhưng đáng sợ nhất là cơn dọa sinh non sau phẫu thuật lấy túi ngực. Nhờ các bác sĩ FV động viên giúp tôi ổn định tinh thần mà tôi đã vượt qua được và em bé vẫn phát triển khỏe mạnh chờ ngày chào đời".
Cần kiểm tra và siêu âm vú định kỳ
Bác sĩ Thanh Vinh cho biết, chị Phương đã đặt túi ngực loại nhám lớn, được đánh giá tốt nhất vào thời điểm đó. Túi ngực nhám có độ bám dính cao, nằm ổn định và không di chuyển trong cơ thể. Cũng chính vì thế, cơ thể phản ứng tạo bao xơ dày, dính chặt túi ngực với cơ ngực lớn. Theo thời gian, những vận động mạnh có thể tạo nên giằng xé, dẫn đến nguy cơ rách túi, bể túi một cách tự nhiên. Tuy nhiên, tỷ lệ nguy cơ vỡ túi ngực chỉ chiếm khoảng 2-3%.
Vì vậy, lời khuyên của bác sĩ là các chị em đặt túi nâng ngực cần kiểm tra định kỳ và siêu âm vú từ sáu tháng đến một năm, để đảm bảo an toàn, giải quyết kịp thời các vấn đề bất thường nếu có.