Chuyên mục  


"Việt Nam đang lãng phí rất lớn với nguồn tạng hiến này", PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nói tại Hội nghị phát triển mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô tạng khu vực phía Nam, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 4/5.

Việt Nam ngang tầm các nước trong khu vực về kỹ thuật ghép tạng. Vấn đề lớn nhất hiện nay là khan hiếm nguồn tạng, trong khi danh sách bệnh nhân cần thay tạng ngày càng dài.

"Chúng ta thành lập các trung tâm điều phối, nhưng tạng ở đâu để điều phối. Đó là câu hỏi lớn nhất, day dứt nhất hiện nay để cứu người", bà Tiến nói. Người đứng đầu hội vận động về hiến mô tạng kể lại câu chuyện về một tỷ phú Brazil chôn siêu xe mới trị giá gần 500.000 USD, năm 2013, với thông điệp mọi người đang chôn đi thứ giá trị hơn chiếc xe của ông ấy, đó là những nội tạng khỏe mạnh có thể cứu sống rất nhiều sinh mệnh. Sau đó, công tác hiến tạng từ người chết não ở quốc gia này có nhiều bước tiến lớn.

Từ năm 1992 đến nay cả nước có 8.365 trường hợp được ghép tạng. Trong đó, số tạng hiến từ người chết não chỉ chiếm 6%, còn lại là người sống. Theo PGS.TS.BS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, thực tế này đi ngược với xu hướng của thế giới, bởi ở nhiều quốc gia, tạng hiến từ người chết não chiếm đa số. Nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, số người đăng ký hiến tạng và người hiến chết não tăng rất nhanh những năm gần đây.

Hai năm qua, Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số ca ghép tạng, với hơn 1.000 ca mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ lệ ca ghép từ nguồn hiến chết não của Việt Nam tăng dần nhưng vẫn thấp hơn nhiều nước, thậm chí thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

"Các nước châu Á phát triển nhanh tạng từ người hiến chết não, chứng tỏ Việt Nam hoàn toàn có thể làm được, bởi chúng ta có nhiều nét tương đồng về văn hóa, tôn giáo", ông Hệ nói.

Một ca ghép tạng từ người hiến chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Thời gian qua, Việt Nam thành lập các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ở nhiều bệnh viện, giúp tăng đáng kể số người hiến tạng chết não. Nhân viên bệnh viện được tập huấn các kiến thức, tăng nhận diện người chết não tiềm năng, tiếp cận gia đình, tiếp cận người bệnh để chẩn đoán, hồi sức khi chết não, thuyết phục gia đình đồng ý, thực hiện lấy mô tạng...

Từ hiệu quả bước đầu của mạng lưới bệnh viện phía Bắc, Trung tâm Điều phối Quốc gia thành lập Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam khu vực phía Nam, ngày 5/4. Chi hội gồm 61 thành viên, trong đó 51 thành viên thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, một từ Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, 4 ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và 5 thành viên tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long. Dự kiến, chi hội tiếp tục mở rộng thành viên trong thời gian tới.

Theo TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy, mạng lưới điều phối hoàn thiện tốt sẽ là "vũ khí tự nhiên" chống lại nạn buôn bán và ghép tạng trái phép. "Thiếu hụt nguồn cung chính là nguyên nhân dẫn tới nạn này", bà Thu nói.

Sau 17 năm ban hành Luật hiến ghép tạng, Việt Nam đang bổ sung chỉnh sửa nhiều quy định. Hiện, nước ta chưa có quy trình phối hợp giữa các bộ, ngành trong phát triển chương trình hiến ghép mô tạng từ người chết, chưa có quy trình phối hợp trong phát hiện người hiến tạng tiềm năng. Việt Nam chưa có danh sách chờ ghép hoàn chỉnh, chưa có cơ chế tài chính cho hoạt động điều phối...

"Việt Nam cần những thay đổi về pháp lý, tăng nhận thức xã hội và phát triển hoạt động điều phối ở các bệnh viện", PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, nguyên Thứ trưởng Y tế, nói. Trong đó, nhân viên y tế làm việc tại khoa hồi sức cấp cứu đóng vai trò quan trọng trong việc nhận biết người có tiềm năng hiến tạng để phối hợp vận động, cần tăng quy trình phối hợp từ khâu này.

Lê Phương

Tin mới

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020