Chuyên mục  


Nhận định do BSCKII. Lê Hoàng Quí - Phó giám đốc Bệnh viện quận Bình Thạnh nêu trong buổi chia sẻ về bệnh đái tháo đường ngày 25/11.

Cụ thể, năm 2023, Bệnh viện quận Bình Thạnh quản lý và điều trị hơn 22.700 bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp là hơn 35.600 và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - hen phế quản là hơn 5.000. Qua khảo sát của bệnh viện ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường tuân thủ thấp so với các bệnh mạn tính không lây khác. Cụ thể tỷ lệ tuân thủ điều trị thấp nhất ở bệnh nhân đái tháo đường (22,2%), tăng huyết áp (39,7%), hen phế quản (37,7%) và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (54,3%).

Buổi sinh hoạt của những bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện quận Bình Thạnh ngày 25/11. Ảnh: Phan Trường Giang

Nhiều năm nay, bệnh viện đã tổ chức những buổi sinh hoạt cung cấp kiến thức cho những ai quan tâm đến tìm hiểu. Cũng tại đây, họ sẽ được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn điều trị.

"Việc tuân thủ điều trị đóng vai trò quan trọng góp phần vào tối ưu hóa điều trị chất lượng mang đến cho người bệnh", bác sĩ Quí chia sẻ.

BSCKII. Lê Hoàng Quí - Phó Giám đốc Bệnh viện quận Bình Thạnh chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Phan Trường Giang

Tham gia chương trình, các bệnh nhân và người nhà được nghe tư vấn trong việc phòng - chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa. Tại buổi sinh hoạt, BSCKII. Phạm Minh Tuấn, Trưởng khoa Nội tiết - Thận - Lọc máu, Bệnh viện quận Bình Thạnh hướng dẫn cách đo đường huyết tại nhà, theo dõi tình trạng bệnh thông qua các ứng dụng hiện đại. Người bệnh nghe tư vấn về những phương pháp điều trị, được giải thích rõ hơn về cách phòng ngừa cho người tiền đái tháo đường, cách sống chung cùng bệnh đái tháo đường, phương pháp hạn chế tối đa tiến triển bệnh...

BSCKII. Phạm Minh Tuấn, Trưởng khoa Nội tiết - Thận - Lọc máu, Bệnh viện quận Bình Thạnh giải đáp thắc mắc cho người bệnh. Ảnh: Phan Trường Giang

Theo bác sĩ Tuấn, xét nghiệm đường máu là cách duy nhất tầm soát bệnh đái tháo đường để sớm phát hiện bệnh. Việc kiểm tra phát hiện sớm bệnh đái tháo đường có ý nghĩa rất quan trọng nhằm kịp thời tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Nếu bệnh nhân phát hiện bệnh sớm và thực hiện thay đổi lối sống cũng như được dùng thuốc thì có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm sự xuất hiện của các biến chứng cấp và mạn tính.

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như: người từ 40 tuổi trở lên; từng được xác định rối loạn đường huyết; thừa cân, béo phì; mắc bệnh lý tim mạch; có người thân trong gia đình mắc bệnh đái tháo đường; phụ nữ từng mắc đái tháo đường thai kỳ càng nên đặc biệt chú ý.

Người tham dự được xét nghiệm và hướng dẫn xét nghiệm đường huyết. Ảnh: Phan Trường Giang

Các bệnh nhân và người nhà cũng đặt nhiều câu hỏi thắc mắc và được bác sĩ giải đáp ngay trong buổi sinh hoạt. Một bệnh nhân 68 tuổi cho biết, trước đây, ông chủ yếu tìm hiểu thông qua internet, độ chứng thực không được đảm bảo. Buổi sinh hoạt giúp ông có cơ hội tìm hiểu cặn kẽ hơn.

Hoạt động tạo động lực cho các bệnh nhân sống khỏe cùng bệnh và lan tỏa những thông điệp tốt đẹp đồng hành cùng người bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Buổi sinh hoạt đồng thời hưởng ứng ngày đái tháo đường thế giới 14/11, chủ đề "Biết nguy cơ để hành động đúng" với sự đồng hành của dự án Ngày Đầu Tiên.

Thái Anh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020