Chuyên mục  


kit-xet-nghiem-16717930795931551674352-16734272804251474013125-16771274551951904954386.jpg

Cán bộ y tế làm việc tại phòng xét nghiệm - Ảnh minh họa: DUYÊN PHAN

Xét nghiệm để tìm "cục máu đông"?

Một bác sĩ đăng lên trang cá nhân với nội dung: "Hoang mang vì đã tiêm vắc xin AstraZeneca? Hãy đi xét nghiệm D-Dimer để xem có bị hình thành cục máu đông hay không. Nếu có thì uống thuốc tan cục máu. Vậy thôi.

Không phải chỉ người tiêm vắc xin mà những người đã từng nhiễm COVID-19 đều có khả năng bị cục máu đông. Đến phòng khám, bác sĩ sẽ chỉ định cho xét nghiệm D-Dimer tìm tình trạng có cục máu đông".

Ngay khi thông tin này được đăng tải, nhiều chuyên gia cho rằng việc thực hiện một xét nghiệm khi không có biểu hiện lâm sàng là điều không cần thiết. Thậm chí, thông tin này còn khiến người dân hoang mang, đổ xô đi xét nghiệm gây tốn kém.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam - chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM - cho rằng việc khuyến cáo xét nghiệm D-Dimer để tìm cục máu đông với người không thuộc nhóm nguy cơ, không có biểu hiện lâm sàng như khuyến cáo trên là chưa chính xác, dễ làm người dân hoảng sợ, đổ xô đi xét nghiệm.

PGS Nam cho biết xét nghiệm D-Dimer là một xét nghiệm phổ biến, giá thành trung bình, được thực hiện tại hầu hết các phòng xét nghiệm.

Dù phổ biến nhưng người bệnh chỉ được thực hiện xét nghiệm D-Dimer khi bác sĩ chuyên khoa tim mạch chỉ định.

Theo đó, bác sĩ sẽ đo tim mạch người bệnh. Khi có dấu hiệu thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim, đặc biệt có các dấu hiệu lâm sàng (đau nặng ngực phía bên trái, đau nhói dọc theo cánh tay bên trái, mệt, khó thở, vã mồ hôi…) thì mới thực hiện thêm xét nghiệm D-Dimer và cho kết quả chính xác.

"Với người có sức khỏe bình thường, khi xét nghiệm D-Dimer thường cho ra kết quả sai lệch, từ đó dễ gây hoang mang, lo lắng thêm", bác sĩ Nam khuyến cáo.

BS Đoàn Dư Mạnh - thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam - cũng cho rằng không nên lạm dụng xét nghiệm gây tốn kém, hoang mang trong dư luận.

"Chỉ khi người dân có biểu hiện lâm sàng mới nên thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán. Bên cạnh đó, xét nghiệm chỉ là một phần, khi phát hiện bất thường cần tiến hành các chụp chiếu khác để xác định vị trí, mức độ huyết khối mới có biện pháp điều trị phù hợp. Không phải huyết khối nào cũng có thể sử dụng thuốc để điều trị.

Tốt nhất, người dân khi nhận thấy bất thường về sức khỏe nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám. Đồng thời, khám sức khỏe định kỳ để theo dõi diễn biến sức khỏe, điều trị ổn định bệnh lý nền. Nên duy trì lối sống lành mạnh, khoa học để tăng cường sức khỏe", BS Mạnh khuyến cáo.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn

Trước đó, từ tháng 4-2021, Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin COVID-19. Theo Bộ Y tế, biểu hiện lâm sàng của hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối thường xuất hiện trong vòng 4 - 28 ngày sau tiêm vắc xin COVID-19.

Các triệu chứng giảm tiểu cầu, huyết khối thường gặp sau tiêm như đau đầu dai dẳng; đau bụng; đau, phù chi dưới; chảy máu, xuất huyết dưới da; đau đầu dữ dội; khó thở, co giật; đau bụng dữ dội, dấu hiệu thần kinh khu trú, nhìn mờ, nhìn đôi; xuất huyết tạng…

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi có những triệu chứng này cần thực hiện các xét nghiệm xác định số lượng tiểu cầu, đông máu cơ bản; D-Dimer (nếu có); siêu âm/Doppler mạch, X-quang, CT (nếu có); thăm dò khác tìm nguyên nhân và được sự tham vấn của chuyên gia.

Chia sẻ về tác dụng phụ gây xuất hiện huyết khối (cục máu đông) của vắc xin COVID-19 AstraZeneca, ông Phạm Quang Thái - trưởng văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang.

"Tại Việt Nam đã có hàng chục triệu liều vắc xin của AstraZeneca được tiêm chủng nhưng chỉ mới ghi nhận một vài trường hợp có phản ứng phụ liên quan đến huyết khối sau tiêm.

Đây là một tỉ lệ vô cùng thấp. Do đó, hiện vẫn chưa có khuyến cáo những người tiêm vắc xin có nguy cơ huyết khối cao hơn so với những người không tiêm.

Bên cạnh đó, vấn đề huyết khối đã ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm vắc xin. Trong khi đó, vắc xin COVID-19 của AstraZeneca đã được tiêm chủng tại Việt Nam khá lâu và đến nay không ghi nhận thêm bất cứ trường hợp nào có phản ứng bất lợi sau tiêm.

Do đó, người dân đã tiêm vắc xin không nên hoang mang, lo lắng về tác dụng phụ của vắc xin", ông Thái khuyến cáo.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020