Chuyên mục  


"Tôi hết năng lượng, không muốn ra ngoài sau 22h", anh nói.

Green không phải trường hợp hy hữu gặp tình trạng này. Nhiều người ở tuổi 20,30 đang đạt được những mốc như kết hôn, mua nhà muộn hơn so với các thế hệ trước. Kỳ vọng phải làm như vậy tạo ra stress, căng thẳng cho họ, khiến nhóm này thấy già hơn. Bên cạnh đó là các lo ngại ngày càng tăng về công việc, nợ nần, lạm phát, chi phí nuôi dạy con cái và chăm sóc cha mẹ lớn tuổi...

Về mặt y tế, giai đoạn trung niên thường được định nghĩa là 40-60 tuổi. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Horizon Media, khoảng 20% người trẻ từ 25 đến 34 tuổi cảm thấy mình như đang ở mốc trung niên. Người 25 tuổi cho rằng ngưỡng trung niên của họ bắt đầu từ 37 tuổi, kết thúc vào khoảng 53 tuổi. Ngược lại, người trên 65 tuổi nhận định, giai đoạn trung niên là từ 46 đến 62 tuổi. Dù vậy, cả hai nhóm đều đồng ý, các dấu hiệu của việc lão hóa ở độ tuổi này là da thay đổi, mất đàn hồi; đau nhức cơ thể và thị lực giảm sút.

Tiến sĩ Tirrell De Gannes, nhà tâm lý học lâm sàng tại Thriving Center of Psychology, cho biết người trẻ cảm thấy "già cỗi và chịu áp lực sớm hơn rất nhiều". Khảo sát của trung tâm này chỉ ra rằng, cứ 10 người thuộc thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981 đến 1996) thì một người trải qua khủng hoảng tuổi trung niên khi mới 34 tuổi.

"Về mặt tinh thần và cảm xúc, tôi cảm thấy mình như 43 tuổi", Alexander Walker-Griffin, 27 tuổi, ủy viên hội đồng và cựu thị trưởng thành phố Hercules, California, chia sẻ.

Những vấn đề như ngân sách nhà nước, nhà ở, nợ sinh viên và giao thông công cộng đè nặng lên anh. Anh tránh các buổi tụ tập tại câu lạc bộ và thường ăn mặc cẩn thận phòng trường hợp ai đó đăng ảnh mình lên mạng xã hội. Griffin cho biết không chỉ riêng anh hay những người làm vị trí tương tự, bạn bè của anh trong các lĩnh vực cạnh tranh như công nghệ cũng chịu áp lực khi phải ổn định cuộc sống sớm.

"Mọi người bị tôi thúc làm mọi thứ sớm hơn, vì có quá nhiều cạnh tranh trong công việc và cạnh tranh để mua nhà", anh nói.

Nhiều người trẻ cảm thấy lão hóa từ độ tuổi 20. Ảnh: WSJ

Kate Rarey, 24 tuổi, nhà quản lý sự kiện tại Pittsburgh, cho biết cô thiếu sự từng trải của người trung niên, nhưng có chung nỗi lo với họ.

"Tôi lo lắng về việc nghỉ hưu, tài sản, nhà cửa, sinh con, tương lai và cuộc sống của mình", Rarey nói. Cô cho rằng, người thuộc thế hệ mình có ít cơ hội được phạm sai lầm về tài chính và nghề nghiệp. Điều đó khiến họ có cảm giác lão hóa sớm.

Giáo sư tâm lý học Shevaun Neupert, Đại học bang North Carolina cho biết căng thẳng có thể khiến người trẻ thấy già hơn vài tuổi. Bà và các đồng nghiệp phát hiện, nếu thường xuyên căng thẳng tại trường học hoặc nơi làm việc, người từ 18 đến 22 tuổi sẽ cảm thấy bản thân già hơn 5 tuổi so với tuổi thật.

Giáo sư Margie Lachman, Đại học Brandeis, cho biết người trưởng thành thường thấy trẻ hơn 20% tuổi thật theo năm tháng. Tuy nhiên, việc chăm sóc con cái, cha mẹ già trong khi vẫn làm việc toàn thời gian có thể khiến họ cảm giác tuổi trung niên đến sớm.

Từ cuối những năm 20 tuổi, Nicole Kenney đã thấy bản thân chạm mốc trung niên. Khi 30 tuổi, cô bị đau nửa đầu và rối loạn giấc ngủ. Ở tuổi 41, tất cả vấn đề sức khỏe của Kenney chưa cải thiện. Cô cho rằng nguyên nhân là căng thẳng tài chính, áp lực công việc và kỳ vọng xã hội.

"Cảm giác trách nhiệm, đặc biệt đối với phụ nữ da đen, bắt đầu sớm hơn nhiều so với tuổi 40", Kenney nói.

Ở nhóm tuổi già, tình hình ngược lại. Theo nghiên cứu của Horizon, hơn 10% người trưởng thành từ 65 tuổi trở lên cảm thấy bản thân vẫn đang ở tuổi trung niên. Marc Sigal và vợ là Amy Goldstein cảm thấy có cơ thể và vẻ ngoài trẻ hơn tuổi thật 72. Cả hai đều là luật sư đã nghỉ hưu ở Ohio. Cặp đôi tập thể dục ba lần một tuần, đi du lịch nhiều nơi, giao lưu với những người ở độ tuổi 30 và 40 và ăn mặc trẻ trung.

"Mọi người nghĩ chúng tôi đang ở độ tuổi cuối 50", Sigal nói.

Thục Linh (Theo WSJ)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020