Các bác sĩ Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (TP.HCM) đã lấy đàm của một số bệnh nhân tại bệnh viện để thực hiện nghiên cứu và kết quả cho thấy tỉ lệ đề kháng kháng sinh ngày càng cao - Ảnh: X.MAI
Đây là thông tin từ nghiên cứu "Khảo sát sự đề kháng kháng sinh của một số vi khuẩn trên mẫu cấy đàm" tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (TP.HCM), của hai bác sĩ Võ Thị Ngọc Thúy và Lê Trần Nguyễn được công bố trong Hội nghị khoa học thường niên vào ngày 11-11.
Hai tác giả này dẫn chứng số liệu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với khoảng 4,25 người tử vong vì nhiễm khuẩn hô hấp cấp trong mỗi năm. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế thì các bệnh viêm phổi là bệnh có tỉ lệ cao nhất với 698,7/100.000 dân.
Nhiễm khuẩn hô hấp là một gánh nặng cho y tế, đặc biệt là trên các bệnh nhân phải nhập viện vì tình trạng đề kháng kháng sinh cũng như khuynh hướng kháng kháng sinh của vi khuẩn hiện nay ngày càng tăng.
Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, bệnh phẩm đàm là bệnh phẩm chiếm tỉ lệ cao nhất trong các loại bệnh phẩm yêu cầu xét nghiệm vi sinh để hỗ trợ bác sĩ lâm sàng trong việc lựa chọn kháng sinh, cập nhật phác đồ điều trị cho bệnh nhân.
Trong 1.390 mẫu cấy đàm đủ tiêu chuẩn để đưa vào khảo sát thì có đến 1.113 mẫu dương tính (chiếm 80,1%). Tỉ lệ vi khuẩn đề kháng cao với các kháng sinh thuộc các nhóm Cephalosporin, nhóm Aminoglycoside.... Các vi khuẩn Enterobacter, P. aeruginosa thì tỉ lệ đề kháng có xu hướng tăng hơn so với những năm trước đó.
Với kết quả này, bác sĩ Võ Thị Ngọc Thúy và Lê Trần Nguyễn kết luận, sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn ngày càng gia tăng.
Ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM (thứ hai từ trái qua) - tặng hoa chúc mừng kỷ niệm 45 năm thành lập Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp - Ảnh: X.MAI
Cũng trong Hội nghị khoa học thường niên năm 2022, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (TP.HCM) tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm thành lập với sự góp mặt đại diện Bộ Y tế, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, lãnh đạo bệnh viện qua các thời kỳ, cùng hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức của bệnh viện.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đánh giá cao sự nỗ lực trong suốt thời gian qua của bệnh viện, đặc biệt trong đại dịch COVID-19 vừa qua - khi TP.HCM là tâm điểm dịch với muôn vàn khó khăn.
Sau đại dịch COVID-19, hệ thống ngành y tế trên cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đã gặp nhiều khó khăn và gần nhất là nhiều nhân viên y tế phải bỏ nghề, bỏ ngành.
"Tôi rất hy vọng rằng, với những gì chúng ta đã xây dựng trong suốt 45 năm qua, tập thể cán bộ viên chức, người lao động của bệnh viện tiếp tục gắn bó với nghề y - một nghề rất cao quý. Lãnh đạo TP cùng lãnh đạo Sở Y tế TP sẽ luôn sát cánh với bệnh viện, tạo điều kiện tốt nhất để bệnh viện hoàn thành nhiệm vụ", phó chủ tịch UBND TP nói.
Phát biểu tại buổi lễ, bác sĩ Phan Minh Hoàng - giám đốc bệnh viện - cho hay 45 năm qua, bệnh viện có rất nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, viên chức của bệnh viện vẫn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tại lễ kỷ niệm, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng 3 của Chủ tịch nước. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức của bệnh viện cũng nhận được giấy khen của Sở Y tế TP.HCM.
TTO - Trước những biến chứng về thể chất lẫn tinh thần của các bệnh nhân COVID-19 sau thời gian điều trị, Bệnh viện Thống Nhất vừa thành lập khoa hồi sức và phục hồi chức năng cho bệnh nhân hậu COVID-19.