Chuyên mục  


Động thái này được lãnh đạo Chính phủ đưa ra sau hơn hai tuần Bộ Y tế báo cáo về việc thực hiện thí điểm tự chủ của hai bệnh viện này, đồng thời kiến nghị cho Bệnh viện K và Bạch Mai dừng thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33, chuyển sang thực hiện tự chủ chi thường xuyên theo Nghị định số 60.

Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế báo cáo rõ nguyên nhân chưa thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy. Bên cạnh đó, làm rõ bài học kinh nghiệm, hạn chế, vướng mắc cần khắc phục, điều chỉnh.

Ngoài ra, Bộ Y tế cần nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế; đề xuất, kiến nghị cụ thể các quy định, chính sách để hoàn thiện cơ chế tự chủ bệnh viện công lập. Đối với ý kiến của các bộ, ngành về vấn đề này, Bộ cần có báo cáo trình Chính phủ trước ngày 25/11.

Người bệnh điều trị tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Giang Huy

Hồi tháng 8, Bệnh viện K và Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện do những khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện theo Nghị quyết 33, đề nghị tiếp tục tự chủ chi thường xuyên theo Nghị định 60.

Nghị quyết 33 được Bộ Y tế triển khai thí điểm từ tháng 5/2019, với kỳ vọng tạo đà bứt phá, giúp các bệnh viện được trao quyền nhiều hơn, thực hiện mô hình hoạt động như doanh nghiệp, không dùng đến ngân sách. 4 bệnh viện được lựa chọn gồm Bạch Mai, K, Việt Đức và Chợ Rẫy, nhưng chỉ có Bạch Mai và K tham gia thí điểm.

Thực tế, trong quá trình thí điểm, Bệnh viện K không đủ kinh phí để mua sắm trang thiết bị mới, cũng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về vay và huy động vốn nên đơn vị không dám thực hiện. Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, nguồn thu sụt giảm mạnh, đơn vị kiệt quệ tài chính, không có ngân sách mua sắm máy móc mới dù đang thiếu trầm trọng.

Theo người đứng đầu hai đơn vị, tự chủ toàn diện thất bại cũng xuất phát từ giá viện phí chưa được tính đúng, tính đủ; giá viện phí theo bảo hiểm đã lạc hậu nhiều năm nay; cơ chế chính sách chưa đồng bộ, thiếu các hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện. Trong đó, Nghị quyết 33 quy định được tự quyết định giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu theo khung giá của Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên, đến nay Bộ vẫn chưa ban hành khung giá.

Trong khi đó, Nghị định 60 chia các bệnh viện thành 4 nhóm tự chủ, gồm: nhóm 1 tự chủ toàn diện; nhóm 2 tự chủ chi thường xuyên; nhóm 3 tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm 4 nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên.

Hầu hết bệnh viện Việt Nam đang tự chủ theo hình thức đảm bảo toàn bộ hoạt động chi thường xuyên hoặc một phần chi thường xuyên (còn chi đầu tư vẫn do ngân sách nhà nước lo). Hai bệnh viện thí điểm tự chủ toàn diện gồm Bạch Mai và K, tự lo tất cả về tài chính, nhân sự, đầu tư phát triển... tức ngân sách nhà nước không còn phải chi.

Lê Nga

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020