Chuyên mục  


Ngày 14/10, bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nữ sinh đến viện với các triệu chứng giống trầm cảm như buồn bã, khó ngủ, bi quan, tự ti, khó kiểm soát được cảm xúc. Tâm trạng dễ cáu gắt, hay khóc của người bệnh gây ức chế cho người xung quanh.

Bệnh nhân tâm sự đã có người yêu hai năm nay, nhưng thường xuyên mang nỗi lo sợ bị đối tác bỏ rơi. Khi mối quan hệ phát sinh những vấn đề không theo mong đợi, cô bộc lộ nỗi sợ không kiểm soát, cố gắng níu kéo, thậm chí nhiều lần tự làm đau bản thân để giải tỏa.

Bằng liệu pháp tâm lý, bác sĩ Yến khai thác thêm thông tin về hoàn cảnh gia đình, ghi nhận nữ sinh lớn lên trong kiểu nuôi dạy bị áp đặt, bạo hành. Người bố thường xuyên dọa nạt, nhất là khi con hành động không theo ý muốn của phụ huynh.

"Mỗi khi em làm trái lời, gia đình lại 'bùng nổ'. Mẹ khóc lóc gào thét, bố bỏ nhà đi, còn em lấy dao rọc giấy rạch vào cẳng tay để giảm stress", cô gái kể lại với bác sĩ Yến.

Qua các bài kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới, trong đó yếu tố gia đình là một trong nguyên nhân gây cảm xúc tiêu cực. Người bệnh được điều trị bằng liệu pháp tâm lý giúp hiểu, nhận thức và điều chỉnh cảm xúc của bản thân tốt hơn. Cùng với đó, gia đình được khuyên cần tạo một môi trường an toàn, tránh gây thêm áp lực cho con.

Minh họa bệnh tinh thần. Ảnh: Pexels

Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. BPD phổ biến như nhau ở cả nam và nữ, chiếm 11% ở bệnh nhân tâm thần ngoại trú và lên đến 50% ở bệnh nhân nội trú, theo bác sĩ Yến.

Biểu hiện lâm sàng là bệnh nhân luôn có suy nghĩ bị bỏ rơi, xa lánh, thậm chí cảm xúc không ổn định, dễ bộc phát và có hành vi tự hủy hoại bản thân. Nguyên nhân sinh bệnh là di truyền, thay đổi dẫn truyền thần kinh, rối loạn phát triển não bộ hoặc tác động của môi trường sống.

Thông qua các bài kiểm tra tâm lý, bác sĩ sẽ hiểu rõ hơn về quá trình phát triển của bệnh, từ đó đưa ra phác đồ điều trị như trị liệu tâm lý, dùng thuốc. Nếu người bệnh không được khám và phát hiện bệnh sớm, nguy cơ mắc thêm các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn sử dụng chất... Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe, khiến việc điều trị thêm khó khăn.

Thúy Quỳnh - Diệu Tâm

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020