Chuyên mục  


Nguyễn Phương Linh, 22 tuổi, Hà Nội, đang trải qua tháng đầu học chương trình thạc sĩ - tiến sĩ, định hướng thiết kế vi mạch tại Viện Bách khoa Paris (IP Paris), ngôi trường xếp hạng 46 thế giới, theo QS.

Linh giành học bổng này từ khi chưa nhận bằng tốt nghiệp ở Bách khoa Hà Nội. Cô đạt loại xuất sắc với điểm tổng kết 3.92/4, ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông.

Với Linh, đây là bước chuyển bất ngờ, bởi chưa từng định du học về thiết kế vi mạch, trước năm học cuối ở trường.

"Mọi thứ đến với mình như một cái duyên", Linh nói.

Nguyễn Phương Linh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Linh đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2020, sau khi từ bỏ cơ hội nhập học sớm vào Đại học Ngoại thương theo định hướng của gia đình. Dù chưa tìm hiểu ngành nghề, Linh nghĩ Bách khoa phù hợp để phát huy khả năng Toán học.

Tiếp đó, nữ sinh trúng tuyển lớp tài năng Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông. Linh cho hay chọn ngành này vì thấy có nhiều ứng dụng, được học cả về phần cứng và phần mềm.

Kỳ đầu học chủ yếu Toán và Lý. Vốn là học sinh chuyên Toán, Linh chủ quan, không ít buổi đến giảng đường nhưng hoàn toàn không chú tâm việc học. Bài thi giữa kỳ môn Giải tích của nữ sinh chỉ đạt 5/10 điểm, thấp nhất trong những bài kiểm tra Toán từng làm. Cuối kỳ I, khi về thăm thầy cô cũ, Linh nhận ra cần thay đổi.

"Thầy cô nói nếu tiếp tục học hành như vậy sẽ bỏ phí sự thông minh vốn có, rồi khuyên mình nghĩ về mục tiêu học sau đại học", Linh kể.

Tâm thế thay đổi giúp kết quả học tập của Linh ổn định ở mức cao. Đầu năm thứ hai, nữ sinh xin vào phòng thí nghiệm (lab) về AI để thử sức. Nhưng làm một thời gian, Linh thấy không phù hợp.

Giữa lúc mông lung, Linh được học môn Điện tử số của PGS.TS Nguyễn Đức Minh, hiện là Phó hiệu trưởng trường Điện - Điện tử và hứng thú với cách dạy của thầy.

"Đó là môn đầu tiên mình chủ động tìm tài liệu, thậm chí cả những thứ không liên quan đến nội dung thi", Linh chia sẻ. Kết quả, Linh đạt điểm cao nhất lớp môn này.

Sang năm thứ ba, thầy Minh mở lớp Thiết kế số cho thành viên trong lab EDABK do thầy phụ trách. Nhờ thành tích tốt, Linh được thầy cho tham gia. Sau khóa học ngắn, Linh hiểu về thiết kế vi mạch, có dự án đạt giải nhì cuộc thi tổng kết khóa học.

Việc này cho Linh động lực để xin thầy vào lab. Do Linh đã vào cuối năm thứ ba - khá muộn so với các thành viên khác, thầy Minh cũng ngần ngừ, nhưng rồi đồng ý.

Sau hơn ba tháng đi sâu vào lĩnh vực mới, Linh cùng 5 bạn trong lab tham gia cuộc thi thiết kế chip eFabless Challenge, của eFabless - công ty cung cấp dịch vụ sản xuất chip ở Mỹ với nhiều đối tác lớn như Google, ARM, Skywater. Cuộc thi thu hút nhiều cá nhân, nhóm từ các quốc gia như Anh, Singapore. Các đội sử dụng công cụ AI tạo sinh để thiết kế chip bán dẫn.

Phụ trách phần thiết kế chính, Linh gần như không ngủ suốt hai tuần. Khi thắng giải nhất với giải thưởng là phần chip thực do eFabless chế tạo dựa trên thiết kế đoạt giải (trị giá gần 10.000 USD), cả nhóm vỡ òa.

Cũng sau giải thưởng này, thầy cô khuyên Linh du học. Ba ngày trước hạn cuối nộp hồ sơ vào IP Paris, Linh mới chuẩn bị CV, thư động lực, thư giới thiệu. Qua vòng hồ sơ, Linh tiếp tục viết thư xin giáo sư ở Pháp hướng dẫn, trải qua vòng phỏng vấn và kiểm tra để được giáo sư nhận.

Trong ba tháng chờ kết quả, Linh đi tìm việc và trúng tuyển vào một số doanh nghiệp nổi tiếng về bán dẫn như Micron, Phison.

"Sau nhiều vòng, họ đưa ra mức lương trong mơ, cao gấp 5-6 lần so với mong muốn tìm việc lương 20 triệu đồng của mình", Linh chia sẻ. Cùng lúc đó, Linh nhận được tin đỗ học bổng toàn phần của IP Paris.

Dù trước đó chưa từng nghĩ đến du học, ở thời điểm phải lựa chọn, Linh không mất nhiều thời gian suy nghĩ.

"Mình mới tiếp cận với thiết kế vi mạch được một năm và muốn nghiên cứu sâu hơn trước khi đi làm", Linh nói. "Mình cũng ham chơi, muốn khám phá nhiều nơi trong thời gian du học".

Linh tại một hội nghị quốc tế ở Đà Nẵng, hồi cuối tháng 7. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thầy Nguyễn Đức Minh nhận xét Linh là một trong những sinh viên tốt nhất từ trước đến nay của mình.

"Linh rất năng suất, thông minh, cực kỳ hiểu chuyện", thầy nói. "Gần như ngày nào em cũng lên lab từ 8h15, ngồi đến 7-8h tối. Những đợt cao điểm, việc thức đến 3h sáng là chuyện bình thường".

Thầy Minh cũng tự hào về cô học trò không thực tập ngày nào ở doanh nghiệp nhưng đã nhận được lời mời làm việc với "mức lương khủng", giành giải nhất một cuộc thi về thiết kế chip của Mỹ và đứng đầu trong danh sách nhận học bổng của IP Paris.

Tại Pháp, Linh học một năm thạc sĩ, sau đó lên chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ. Nữ sinh nói mong sau này có thể trở thành giảng viên, hướng dẫn và truyền cảm hứng cho các thế hệ đàn em.

Dương Tâm

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020