Chuyên mục  


z4180548537401860169cff560e650bd34ba77e0b52395-16787657972021856720671.jpg

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo tuyệt đối không ăn tiết canh để phòng nguy cơ lây nhiễm liên cầu lợn sang người - Ảnh minh họa: NAM TRẦN

Ăn tiết canh dê có thể nhiễm liên cầu lợn?

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin ngày 1-5, sau khi ăn tiết canh dê trong tiệc cưới tại tỉnh Thái Bình, hàng chục người phải nhập viện và một người chết nghi do ngộ độc thực phẩm.

Trong đó, tiết canh dê sử dụng trong bữa tiệc là dê giết mổ tại Ninh Bình và vận chuyển tiết, thịt về Thái Bình, phần nhân làm tiết canh chế biến từ tai, gan, cuống họng lợn đã luộc chín.

Nhiều người cho rằng tiết canh dê hay nhiều loại tiết canh gia cầm khác được nuôi nhốt "sạch", không chứa vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, thực tế không ít trường hợp sau khi ăn tiết canh dê, tiết canh ngan, vịt vẫn nhiễm liên cầu lợn.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho hay thực tế bệnh viện đã tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân nhập viện vì liên cầu lợn dù trước đó ăn tiết canh dê.

Bác sĩ Thiệu nói rõ bản thân dê không có vi khuẩn liên cầu lợn. Tuy nhiên, khi chế biến tiết canh dê, do lượng tiết canh dê khá ít, nên thường được pha trộn với tiết canh lợn, sụn và thịt lợn để chế biến.

"Vụ ngộ độc tại Thái Bình mới đây, theo báo cáo, người dân có dùng gan, cuống họng lợn để chế biến với tiết canh dê. Nếu lợn chứa liên cầu lợn sẽ lây nhiễm vào món ăn. Vì vậy, đây có thể là nguyên nhân khiến người ăn nhiễm liên cầu lợn", bác sĩ Thiệu phân tích.

Theo bác sĩ Thiệu, những người nhiễm liên cầu khuẩn nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết... Tỉ lệ tử vong của bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn có thể tới 7%.

Nhiễm liên cầu lợn có nhiều thể bệnh, nhưng có 2 thể chính là thể nhiễm trùng huyết và viêm màng não.

Với thể nhiễm trùng huyết, bệnh sẽ diễn biến rất nhanh và nặng. Bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng rối loạn đa cơ quan. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.

Thể thứ hai là viêm màng não, thường tiên lượng điều trị sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ có những biến chứng về lâu dài như liệt, các di chứng về mặt thần kinh.

Không chỉ mắc liên cầu lợn

Bác sĩ Thiệu cảnh báo bên cạnh liên cầu lợn, thức ăn chưa được nấu chín có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng khác.

Trong món tiết canh tồn tại nhiều mầm bệnh nguy hiểm như: tiêu chảy, tả, lỵ, giun sán… Đặc biệt, trong quá trình cắt tiết, chế biến thức ăn không đảm bảo vệ sinh dễ dẫn đến vi khuẩn trên da, lông động vật dễ dàng xâm nhập vào máu.

"Các loại giun sán có trong tiết canh khi đi vào cơ thể có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Chuyên gia này từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm cùng lúc 3-5 loại giun sán vì mê tiết canh.

Có trường hợp bệnh nhân bị áp xe gan do giun sán. Nếu không điều trị kịp thời, khối áp xe gan của bệnh nhân có nguy cơ bị vỡ. Ngoài ra các loại giun sán ký sinh trong cơ thể bệnh nhân cũng sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Thiệu cho hay.

Để phòng tránh nguy cơ nhiễm liên cầu lợn hay các loại ký sinh trùng khác, bác sĩ Thiệu cảnh báo người dân cần đảm bảo nguyên tắc ăn chín uống sôi. Không nên ăn tiết canh, nội tạng chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt động vật ốm chết.

Bên cạnh đó, không xử lý thịt sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch, dụng cụ sau khi chế biến thịt sống.

Chú ý, khi sốt cao (40-41 độ C) sau khi tiếp xúc với lợn (nhất là lợn ốm hoặc chết), xuất hiện các bất thường ở da nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020