"Đa số bệnh nhân chịu đựng thời gian dài, đến khám ở giai đoạn trễ, sa độ 2-3, ảnh hưởng kết quả điều trị", PGS.TS.BS Nguyễn Văn Ân, Chủ tịch Hội Sàn chậu học TP HCM, Trưởng Khoa Niệu học chức năng, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, nói bên lề hội nghị khoa học thường niên, cuối tháng 7.
Sa tạng chậu thường xuất hiện ở phụ nữ lớn tuổi, sau mãn kinh, mang thai và sinh con nhiều lần. Bởi, khi lớn tuổi, các dây chằng, phương tiện nâng đỡ của vùng sàn chậu bị nhão, sa trễ, đặc biệt là ở người sinh con nhiều, với sự thay đổi của nội tiết và sức nặng của thai kỳ, gây tình trạng sa xuống của một hay nhiều cơ quan vùng chậu khỏi vị trí giải phẫu bình thường.
Người béo phì, đái tháo đường, dùng corticoid quá nhiều, từng mổ cắt tử cung... cũng có nguy cơ cao mắc bệnh. Sa tạng chậu còn hay gặp ở người thường xuyên có động tác làm tăng áp lực ổ bụng như ho nhiều do bệnh lý hô hấp mạn tính, làm việc mang vác nặng.
BS.CK2 Lê Ngọc Diệp, Trưởng Khoa Nội soi, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết vấn đề lớn nhất hiện nay của sa tạng chậu là nhiều người mặc cảm, giấu bệnh, đến lúc vào viện thì tình trạng đã nặng, gây biến chứng như táo bón, bí tiểu, són tiểu, viêm loét phần cơ quan bị sa. Bệnh viện từng tiếp nhận người phụ nữ 80 tuổi vào cấp cứu sau khi cầm dao tự cắt khối sa tạng chậu, sau thời gian dài âm thầm chịu đựng những phiền toái.
Đa số phụ nữ sa tạng chậu bị sa tử cung ra ngoài, có kèm hoặc không kèm bàng quang, trực tràng. Có những bệnh nhân phải mang băng, tã suốt vì chỉ cần ho hoặc cười, hoạt động mạnh sẽ són tiểu. Không ít trường hợp bị rối loạn hậu môn trực tràng như khó đi tiêu.
Điều trị sa tạng chậu tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
"Trong bối cảnh tuổi thọ ngày càng cao, bệnh lý này cần được quan tâm lưu ý, giúp phụ nữ được thăm khám, điều trị hiệu quả", bác sĩ Diệp nói.
Tùy từng mức độ, sa tạng chậu có những chỉ định điều trị phù hợp thông qua các bài tập, đặt vòng nâng cơ quan sa trễ hoặc phẫu thuật. Nếu tình trạng sa trễ không quá nặng, không đi kèm các bệnh lý, khoảng 60-85% người bệnh có thể được cải thiện với việc bảo tồn bằng vòng nâng.
Theo phó giáo sư Ân, sa tạng chậu cần sự phối hợp của ba chuyên khoa sản phụ khoa, tiết niệu học, hậu môn trực tràng để có sự đánh giá tổng thể, điều trị hiệu quả cho người bệnh. Việc điều trị giúp cải thiện, phục hồi chức năng các cơ quan bị sa trễ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Để phòng bệnh, không nên sinh quá nhiều con. Dành thời gian tập cơ sàn chậu sau sinh. Giữ cân nặng của thai nhi trong giới hạn, đỡ sinh bởi nhân viên y tế để được hướng dẫn rặn sinh đúng cách, tránh nguy cơ ảnh hưởng cấu trúc vùng chậu. Việc sinh thuận tự nhiên, không có nhân viên y tế hỗ trợ có thể gây đứt cơ vòng, rách trực tràng, nguy hiểm sức khỏe, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống về sau.
Dinh dưỡng đầy đủ để giảm tình trạng suy yếu cơ, kiểm soát cân nặng hợp lý. Ăn nhiều chất xơ để hạn chế táo bón. Tránh mang vác vật nặng. Tìm đến bác sĩ sớm khi rối loạn đi tiểu, tiểu khó, són tiểu, khối sa thập thò ở âm đạo, đại tiện khó... Quan tâm đến phụ nữ lớn tuổi trong gia đình, đưa đi khám khi có bất thường, bởi những người này thường hay mặc cảm, giấu bệnh.
Lê Phương