Do tính chất công việc, Ngân, một nhân viên truyền thông tại quận Hai Bà Trưng, luôn phải cập nhật tin tức trên các nền tảng mạng xã hội, lên ý tưởng quảng bá cho dự án. Một lần, điện thoại mất liên lạc, cô không nhận được thông báo cấp trên về việc chỉnh sửa kịch bản cho sự kiện quan trọng sắp được công chiếu trực tiếp. Phút chót, Ngân "trở tay không kịp" khiến kết quả công việc kém hiệu quả, cô bị khiển trách, trừ lương.
"Từ đó, tôi không dám rời khỏi chiếc điện thoại dù chỉ một phút", Ngân nói.
Nữ nhân viên còn thường xuyên làm việc đến khuya, thậm chí 1-2 giờ sáng vẫn kiểm tra email, tin nhắn. Những khi công ty tổ chức sự kiện, cô thấp thỏm cả đêm, đang ngủ cũng vô thức bật dậy kiểm tra điện thoại.
"Tâm trí tôi lúc nào cũng có cảm giác bất an, nếu tắt điện thoại sẽ có chuyện chẳng lành xảy ra", Ngân nói, thêm rằng gần đây tình trạng lo lắng trở nên trầm trọng hơn, khiến cô mất ăn, kém ngủ.
Trang, 32 tuổi, ở Cầu Giấy, nhân viên kinh doanh, cũng bị chứng "sợ mất kết nối" khi công việc của cô gắn với hàng chục nhóm trao đổi công việc với hàng trăm tin nhắn mỗi ngày. Do thường xuyên làm việc thông qua máy tính, điện thoại, hầu hết hoạt động của cô, kể cả khi ăn uống, đi chơi, thậm chí vào nhà vệ sinh cũng kèm theo các thiết bị này. Một lần, do ngủ quên, không kiểm tra tin nhắn khiến công ty mất một hợp đồng quan trọng, Trang bị phạt và cảnh cáo trước cơ quan. Từ đó, kể cả lúc đi ngủ, cô cũng đặt điện thoại ở chế độ rung chuông.
Lâu dần, nữ nhân viên bị rối loạn tiêu hóa, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, lo âu. Tuy vậy, công việc không cải thiện, sự tập trung của cô ngày càng kém hiệu quả do bị phân tâm bởi điện thoại, mạng xã hội.
Nhiều người không dám rời mắt điện thoại dù chỉ một phút, gây nhiều tác hại lên sức khỏe như mất ngủ, trầm cảm, rối loạn lo âu. Ảnh: CNBC
Ngân và Trang là những bệnh nhân mắc chứng sợ bị bỏ lỡ, còn gọi sợ tắt máy (FOMO) với biểu hiện rối loạn lo âu, đến khám tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương trong tháng 3, theo bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc.
"Nỗi sợ bị bỏ lỡ ngày càng phổ biến ở giới trẻ, là hệ quả của của sự bùng nổ internet, đặc biệt là mạng xã hội", bà Thu nhận định.
Todd Handcock, giám đốc thương mại toàn cầu và chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Priority Pass, cũng cho biết chứng sợ tắt máy có thể được coi là phần mở rộng của FOMO. Thực tế cho thấy hơn một nửa dân số thế giới hiện đang sử dụng mạng xã hội, phần lớn bị lệ thuộc vào một nền tảng nào đó và điều này có thể gây nghiện. Cảm giác khó chịu khi rời xa càng khiến mọi người bị trói buộc vào thiết bị điện tử.
Trang CNBC có bài khảo sát với 8.500 người ở 11 quốc gia, kết quả cho thấy hơn 1/3 số du khách cảm thấy khó thoát khỏi cuộc sống hàng ngày khi đi nghỉ. 73% số người bày tỏ lo lắng về cảm giác thiếu vắng tin nhắn nếu họ không kiểm tra điện thoại liên tục. Khoảng 51% Gen Z (những người ở độ tuổi 18-27) thừa nhận đã kiểm tra tin nhắn công việc ngay cả khi đi du lịch.
Một người dưới sự ảnh hưởng của FOMO luôn tỏ ra bực tức, bất an khi rời xa các công cụ kết nối thường ngày như điện thoại, máy tính, biểu hiện thường gặp bao gồm: Luôn nhìn vào điện thoại không rời mắt, mất tập trung công việc hoặc để ý quá nhiều đến những mối quan hệ không quá quan trọng.
Một số nguyên nhân dẫn đến hội chứng, bao gồm sợ bị tụt lại phía sau, sợ bị mất mát. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông và mạng xã hội ngày càng phổ biến đã tạo ra một áp lực lớn lên người dùng. Họ cảm thấy bắt buộc phải cập nhật liên tục các xu hướng mới để không bị coi là lạc hậu, hoặc thường xuyên phải dùng mạng xã hội để phục vụ công việc. Đây chính là nguyên nhân khiến FOMO ngày càng trở nên phổ biến.
Người mắc có thể bị mất ngủ, khó ngủ do não luôn hoạt động với những suy nghĩ tiêu cực, từ đó họ dễ bị trầm cảm, rối loạn lo âu. Nếu kéo dài, hội chứng có thể gây suy giảm thể chất, bất an trong tâm lý. Thường xuyên dùng mạng xã hội hoặc các thiết bị kết nối cũng khiến mất tập trung công việc, lãng phí thời gian, các mối quan hệ bị ảnh hưởng, dễ cãi vã, mâu thuẫn do thiếu sự quan tâm. Bạn sẽ dễ rơi vào vòng xoáy tiêu cực, ảnh hưởng lớn tới nhiều mặt của cuộc sống.
Bác sĩ Thu đưa ra một số cách để kiểm soát bản thân, làm giảm ảnh hưởng của FOMO đến sức khỏe, đầu tiên là giảm thiểu tần suất dành cho các thiết bị điện tử.
"Khi dành càng ít thời gian cho phương tiện truyền thông, chúng ta sẽ càng cảm thấy mình ít phụ thuộc vào những phương tiện này. Ban đầu sẽ khá khó chịu và bồn chồn nhưng cảm giác này sẽ qua đi rất nhanh một khi bạn hình thành kỷ luật của riêng mình", bác sĩ nói.
Bên cạnh đó, mọi người nên dành thời gian cho các thú vui như đọc sách, dắt thú cưng đi dạo, làm vườn, nấu ăn, tập luyện mà không có các thiết bị điện tử quan trọng.
Đặt ra các thứ tự ưu tiên, tránh việc tập trung vào những việc không quan trọng mà bỏ qua nhiều cơ hội lớn. Cùng với đó, tạo những kết nối thật sự bằng việc lên kế hoạch cho những cuộc hẹn với bạn bè, gia đình, thiện nguyện cho cộng đồng, thay vì chỉ ngồi đợi tin nhắn hoặc thông báo trên mạng.
Thúy Quỳnh