Chuyên mục  


base64-172977994809751651142.jpeg

Một nhà thuốc quảng cáo cách đặt mua thuốc online qua app, qua điện thoại - Ảnh: T.T.D.

Việc mua bán dược phẩm, thuốc online phát triển do nhu cầu của cả bên bán và bên mua. Quản lý thị trường đang "trăm hoa đua nở" này cần những quy định chặt chẽ hơn.

Bán đắt, mua nhanh, giao hàng tận nhà

Một lần tôi đi khám bệnh xương khớp ở một phòng khám tư nhân tại TP.HCM. Trong đơn thuốc (phòng khám có bán) có hai loại thực phẩm chức năng cần mua số lượng nhiều nhất và... đắt tiền nhất. Khoảng một tháng sau, có người gọi đến số máy điện thoại của tôi hỏi thăm tôi uống thuốc thấy ổn không và nhắc tôi mua thêm thuốc.

Qua trao đổi, tôi được biết cô ấy không phải là người ở phòng khám mà là nhân viên tiếp thị bán thuốc cho công ty dược, nơi sản xuất ra hai loại thuốc trên. Họ gửi thông tin khuyến mãi mua 5 tặng 1 kèm việc giao hàng tận nhà, tất nhiên họ nắm rõ tất cả thông tin về bệnh trạng, tên tuổi, số điện thoại và địa chỉ nhà tôi. Tôi đã mua mấy lần, bao nhiêu hộp thuốc ở nhà thuốc phòng khám họ cũng biết chính xác.

Tiếp thị kiểu này thật sự có mang lại tiện lợi cho khách hàng có nhu cầu. Vấn đề tôi đắn đo là có nên mua thêm qua một cuộc điện thoại, không cần toa và chỉ định của bác sĩ. Họ cũng giới thiệu thêm nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng với khuyến mãi hấp dẫn, giá thấp hơn so với giá bán tại nhà thuốc.

Thị trường bán thuốc online tồn tại 7-8 năm nay, giờ bắt đầu có sự cạnh tranh về giá, sự chia sẻ và căng kéo về thị phần. Tiện lợi và tiết kiệm hơn nên rất nhiều người chọn cách mua thuốc rất dễ dàng này. Người mua có thể mua bất cứ khi nào, bất kể nắng mưa, xa xôi cũng có người giao (miễn phí). Vì nhiều lý do, có người không thể ra nhà thuốc cũng chuộng cách mua thuốc giao tận nhà. Nhiều bệnh mạn tính, bác sĩ kê đơn một vài loại thuốc như cũ nên mua online là cách nhanh gọn, tiết kiệm.

Nhu cầu mua và bán dược phẩm online sẽ còn phát triển hơn nữa. Không giống như các sản phẩm khác, việc mua bán thuốc cần được quản lý chặt chẽ hơn. Chỉ riêng trên các sàn thương mại điện tử, cơ quan chức năng thống kê đến cả ngàn nơi có bán thuốc.

Rồi còn bao nhiêu cá nhân, công ty kiểu rao bán thuốc trên trang mạng của họ, trên các nền tảng mạng xã hội. Và vô số nhà thuốc có bán thuốc giao tận nhà, chỉ cần tin nhắn điện thoại. Chưa kể đủ kiểu thuốc được rao "hàng xách tay" đang được bán dễ dàng trên mạng.

Thuốc đông tây y đều có, có nguồn gốc sản xuất và cả không rõ nơi bào chế, thuốc bác sĩ kê đơn hay thực phẩm chức năng (tự ý mua) đều có bán đủ. Có đơn thuốc hay không cũng bán. Người mua cần mua theo đơn cũng dễ dàng chấp nhận mua vì tin vào những lời rao về công dụng của thuốc.

Quản lý dễ hay khó?

Tôi cho rằng, với thị trường trăm hoa đua nở trên, việc quản lý có thể sẽ không dễ đạt như ý muốn. Nhưng có đi sẽ đến nơi, càng khó càng làm quyết liệt. Vì vậy, tôi mong luật và nghị định liên quan sắp tới sẽ quy định cụ thể việc này.

Trước hết, cần điểm danh và phân nhóm những nơi nào đang tiếp thị và bán thuốc online. Ai, nơi nào được bán, kèm những điều kiện gì? Loại nào được bán, loại nào cấm? Quy định càng chi tiết, rõ ràng càng dễ quản lý và xử phạt vi phạm về sau.

Nên quy định cá nhân, tổ chức bán thuốc online phải có đăng ký kinh doanh. Đồng thời, siết các quy định về trách nhiệm liên quan đến việc bán dược phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Khi có khiếu nại sẽ truy trách nhiệm bên bán và nguồn gốc sản phẩm.

Người dân cần được hướng dẫn cách chọn mua thuốc online một cách an toàn, mua ở nơi có giấy phép hoạt động. Đơn vị nào buôn bán đàng hoàng sẽ có thị phần tốt nhờ uy tín.

Việc mua bán thuốc online phát triển trước hết vì nhu cầu của cả bên mua và bên bán. Nhưng không thể buông lỏng quản lý việc mua bán trực tuyến các sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người. Khi thị phần bị chia sẻ, các nơi bán sẽ có nhiều cách tiếp thị cạnh tranh để giành và giữ khách.

Việc này có lợi cho người mua nhưng cũng có thể dẫn đến những hệ lụy không nhỏ, nhất là đối với những loại thuốc không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, người bán không có thông tin rõ ràng, chỉ có lời rao "có cánh".

Thuốc gia truyền và "thần y" ở đâu nhiều vậy?

Tôi ớn nhất các quảng cáo "thuốc gia truyền" nhan nhản trên mạng. Cặp đôi tác quái với "thuốc gia truyền" là các kiểu "thần y" tự xưng chữa bệnh gì cũng khỏi. Rất hiếm khi nghe thông tin xử lý tận gốc các vụ này.

Số điện thoại và cả địa chỉ đều có khi quảng cáo nhưng vì sao chưa thể xử lý được? Luật sửa đổi cần siết chặt cách quảng cáo và bán thuốc kiểu này. Không thể để kiểu buôn bán này tồn tại như thách thức chức năng quản lý với thị trường các loại thuốc bán online.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020