Học sinh hút thuốc lá điện tử sau giờ học tại một trường THPT ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Biến tướng và nguy hiểm hơn khi mới đây Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) đã triệt phá đường dây bơm tinh dầu có ma túy vào thuốc lá điện tử, thuốc lá sợi rồi rao bán trên mạng xã hội, "đầu độc" thế hệ trẻ.
"Làn khói" trước cổng trường
Gần 12h trưa 24-11, khi ca học sáng vừa kết thúc, từng nhóm học sinh tại một trường THPT ở quận Hà Đông (Hà Nội) di chuyển đến quán nước cách cổng trường vài trăm mét.
Từng tốp học sinh cả nam lẫn nữ cầm trên tay chiếc Pod (thuốc lá điện tử) như "bảo bối", vừa gọi nước vừa nhả ra từng làn khói. Một chiếc Pod được chuyền tay nhau quanh một vòng, chừng 3-4 cô cậu học trò thi nhau hút.
Hình ảnh những cô cậu lứa tuổi học trò phì phèo khói thuốc đã không còn xa lạ đối với người dân khu vực này. Chị Hoa ngồi gần đó ngán ngẩm nói: "Ngày nào tụi nhóc chẳng ra đây hút, hút chán rồi mới chịu về nhà. Không biết bố mẹ, thầy cô có biết không".
Từng hút thuốc lá điện tử từ năm lớp 10, nay đã là học sinh cuối cấp, T.A. (Hà Nội) không ngại ngần biểu diễn cho phóng viên màn nhả khói thành hình. T.A. cho hay thuốc lá điện tử chủ yếu mua trên mạng xã hội.
Ban đầu T.A. mua loại Pod dùng một lần (là loại có tinh dầu sẵn, không chế tinh dầu). Sau đó, nam sinh chuyển sang dùng loại Pod "xịn" hơn, có thể đổ tinh dầu thay thế.
"Loại này vừa tiết kiệm mà lại có thể đổi vị. Nếu muốn hút "nét" hơn, em chế thêm một ít CBD (chiết xuất cần sa), nhưng thi thoảng thôi vì dùng CBD hại người lắm", T.A. nói.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ xung quanh một số trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên tại TP Thủ Đức, quận 5, quận 1 (TP.HCM) cho thấy rất nhiều học sinh vẫn vô tư dùng thuốc lá điện tử xung quanh các khu vực quán xá ở một số cổng trường.
Tại một trường THPT ở khu vực TP Thủ Đức, một nhóm học sinh tụ tập với nhau trong một góc nhỏ của quán lúc hơn 12h30 và cùng chuyền tay nhau hai tẩu hút thuốc lá điện tử. Trong nhóm có bảy bạn nam và hai bạn nữ.
Theo quan sát trước cổng trường, một số học sinh trước khi vào trường cũng dừng xe lại ở một số nơi trước, bên hông cổng trường để hút một hơi thuốc lá điện tử rồi mới vào trường.
Chiều 24-11, chúng tôi có mặt ở một trung tâm giáo dục thường xuyên tại quận 5, một số học sinh ở đây ra về cũng vừa đi vừa hút thuốc lá điện tử. Các em cũng tụ tập ở một số nơi xung quanh đó để tán gẫu, uống nước với bạn bè và hút.
Tuy số lượng ít hơn, nhưng tại một vài góc ở khu vực đường Cô Bắc (quận 1) cũng ghi nhận 1-2 nhóm học sinh ở trong hẻm vừa ngồi uống nước vừa hút thuốc lá điện tử.
Học sinh một trường THPT ở quận 3 (TP.HCM) hút thuốc lá điện tử - Ảnh: T.T.D.
Nhà trường, phụ huynh rất lo lắng
Trả lời phóng viên Tuổi Trẻ, hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM nói rằng nhà trường rất lo lắng về tác hại của thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của học sinh, rất sợ thuốc lá sẽ "tấn công" học sinh của trường mình.
"Các em đang nhỏ, chưa hiểu hết tác hại của thuốc lá điện tử. Trong khi đó, việc mua bán online hiện nay rất dễ dàng, không kiểm soát được đối tượng mua bán, cha mẹ lại không biết được con mình mua gì, kiểm soát thế nào... Thuốc lá điện tử không có mùi hôi, thậm chí nhiều loại tinh dầu có hương thơm nên phụ huynh khó kiểm soát.
Ở góc độ nhà trường, chúng tôi tuyên truyền, nói với các em nhiều điều, làm mọi biện pháp để ngăn chặn thuốc lá điện tử. Nhưng ra ngoài cổng trường, nhà trường không thể kiểm soát được nữa, khiến cho chúng tôi rất đau đầu", vị này nói.
Còn bà Cao Thị Thiên Phúc, trưởng Phòng chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết nhằm phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử, ngày 27-11 sở này sẽ thực hiện đợt tập huấn quy mô lớn về phòng chống tội phạm ma túy để học sinh hiểu về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử.
Lần đầu tiên đối tượng của đợt tập huấn là học sinh các trường học. Buổi tập huấn đầu tiên sẽ được tổ chức tại Trường THPT Lê Quý Đôn với đối tượng tham gia chủ yếu là học sinh.
Đợt tập huấn lần này sẽ kéo dài gần một tháng, bao gồm các nội dung như nhận diện thuốc lá, thuốc lá điện tử, các loại ma túy và một số loại ma túy gây ảo giác dưới các dạng thực phẩm... Theo Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, đợt tập huấn với mong muốn giúp học sinh, sinh viên nhận biết và phòng chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử.
Vì thế, đối tượng tập huấn lần này ngoài 500 giáo viên, còn có số lượng lớn học sinh các trường THPT công lập, ngoài công lập, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Bệnh nhân 20 tuổi nhập viện nguy kịch do ngộ độc thuốc lá điện tử chứa ma túy tổng hợp tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Nhập viện vì ngộ độc
K.A. (một bạn trẻ ở Hà Nội) cho hay trong "cộng đồng" chơi Pod mọi người đều biết CBD là loại cần sa tổng hợp gây "phê" hơn các loại tinh dầu khác, nhưng vì ham vui nên nhiều người vẫn mua về dùng. Những người thần kinh yếu nếu hút loại này nhẹ thì choáng váng, nặng thì nhập viện.
"Bạn em cũng có người nhập viện vì hút loại này rồi", K.A. nói. Mặc dù biết độc hại là thế nhưng K.A. vẫn không thể bỏ được thuốc lá điện tử. Ban đầu chỉ là thử hút cùng bạn bè, sau đó là thèm, không hút sẽ nhớ và không thể bỏ.
Tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) gần như tuần nào cũng tiếp nhận ca ngộ độc thuốc lá điện tử. Trong đó, không ít trường hợp nguy kịch do sử dụng thuốc lá điện tử. Điều đáng nói, khi xét nghiệm các dung dịch thuốc lá điện tử mà các bệnh nhân này sử dụng, rất nhiều dung dịch có chứa ma túy tổng hợp.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay: "Tôi đã từng cảnh báo rất nhiều về nguy hại khi sử dụng ma túy "núp bóng" thuốc lá điện tử. Bởi những dung dịch sử dụng trong thuốc lá điện tử có thể tự gia giảm, điều chế".
Theo TS Nguyên, dung dịch sử dụng trong thuốc lá điện tử thường được quảng cáo là tinh dầu, tuy nhiên thực tế đây hoàn toàn là hóa chất tổng hợp. Trong dung dịch này thường chứa nicotine thậm chí cao hơn nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.
Bên cạnh đó là các chất như propylene glycol, glycerin nhằm giữ độ ẩm, bốc hơi giống như khói thuốc lá, các loại hương liệu, cần sa tổng hợp.
TS Nguyên nói tác hại khi sử dụng cần sa kéo dài là rất nghiêm trọng. Cần sa tổng hợp làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành và tử vong, ảnh hưởng đến chất lượng sinh sản như làm giảm số lượng tinh trùng, giảm rụng trứng, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, hành vi.
Làm gì để kéo học sinh ra khỏi làn khói thuốc?
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm Anh, trưởng khoa tâm lý - giáo dục Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), cho biết tình trạng trẻ nhỏ, học sinh đang bị đầu độc bởi thuốc lá điện tử đang là một thách thức rất lớn.
Theo bà Anh, đa phần học sinh hút thuốc lá điện tử bắt nguồn từ môi trường "tập nhiễm". Khi trẻ nhỏ sống trong nhà có cha mẹ, anh chị hoặc trong nhóm bạn ở lớp có người hút thuốc lá thì sẽ tò mò hút theo. Nếu không có người ngăn chặn thì lâu dần sẽ trở thành thói quen rồi dẫn tới nghiện.
Mặt khác, ở tuổi "ẩm ương", học sinh thường có xu hướng khẳng định mình trước đám đông, bè bạn; làm sao cho thật "ngầu", thật "chất chơi". Thuốc lá điện tử là một cách lệch lạc được học sinh chọn. Nhiều học sinh ban đầu không hút thuốc, nhưng khi chơi với một nhóm bạn có hút thuốc thì dần sẽ hút theo bởi nếu không hút thuốc thì sẽ bị loại ra khỏi nhóm.
"Để ngăn học sinh không dùng thuốc lá điện tử thì ngoài sự quan tâm của cha mẹ, nhà trường cần thường xuyên tổ chức các chuyên đề nói về tác hại, hướng các em tới các hoạt động tích cực", bà Anh nói.
"Ra khỏi cổng trường không quản lý được"
Cô Trần Thị Kim Vân, hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (Đà Nẵng), cho biết nghịch lý là học sinh thuộc khối THPT lại ít sử dụng thuốc lá điện tử hơn học sinh khối THCS và các em đa phần được các nhóm đối tượng ngoài trường rủ rê.
Cô Vân cho biết trước đây nhà trường vẫn lồng ghép tuyên truyền trong các buổi chào cờ, ngoại khóa việc cấm sử dụng thuốc lá điện tử nhưng không mấy hiệu quả. Bởi theo cô Vân, các học sinh ngoan mới lắng nghe tuyên truyền, còn học sinh "quậy" là những bạn sử dụng thuốc lá điện tử thì đa số bỏ ngoài tai những lời tuyên truyền.
Nhận thấy việc tuyên truyền không hiệu quả, nhà trường bắt đầu "cài cắm gián điệp" là chính các bạn học với các em học sinh hút thuốc lá điện tử.
"Đa phần các bạn này sẽ hút thuốc lá điện tử trong nhà vệ sinh hay bên ngoài trường học. Các gián điệp học sinh sẽ báo cáo riêng với giáo viên chủ nhiệm", cô Vân cho hay.
Sau khi biết chính xác các học sinh hút thuốc lá điện tử, trường sẽ mời phụ huynh cùng làm việc với học sinh vi phạm. Các học sinh này phải viết cam kết không tái phạm.
"Nhà trường chủ yếu giáo dục, thuyết phục, kết hợp với gia đình. Nhưng nếu học sinh không biết sợ thì ra khỏi trường vẫn sử dụng. Vai trò của phụ huynh là vô cùng quan trọng, bởi hiện tại các trường đều có hoạt động tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử. Nhưng khi các em lỡ sa vào sử dụng, rất khó bỏ", cô Vân nói.
Nữ sinh một trung tâm giáo dục thường xuyên ở Đà Nẵng hút thuốc lá điện tử trong giờ trưa tại quán cà phê - Ảnh: B.D.