Chuyên mục  


Nam bệnh nhân ngụ Phú Yên điều trị gần một tuần tại bệnh viện địa phương với chẩn đoán theo dõi xơ gan và tăng hồng cầu. Vào một bệnh viện TP HCM điều trị, các triệu chứng bệnh vẫn không cải thiện nên bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Gia An 115.

Ngày 24/8, bác sĩ Nguyễn Thế Toàn, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Gia An 115, cho biết chẩn đoán hình ảnh ghi nhận người bệnh bị áp xe lách kích thước lớn, đã vỡ mủ, lan ra xung quanh gây nhiều biến chứng. Đây là tình trạng rất nghiêm trọng, đặc biệt người bệnh đã cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền như xơ gan, sỏi thận, đái tháo đường vừa phát hiện nên nguy cơ tử vong rất cao.

Vị trí áp xe lách đã vỡ trên CT Scan của bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các bác sĩ hồi sức, dùng kháng sinh điều trị rồi mổ cắt lách cho bệnh nhân. Sau mổ, người bệnh tiếp tục dùng kháng sinh khống chế nhiễm khuẩn, điều trị xơ gan và kiểm soát đường huyết. Trải qua hơn 10 ngày nằm viện, tình trạng cụ ông ổn định, vừa xuất viện.

Theo bác sĩ Toàn, áp xe lách là bệnh lý rất nguy hiểm nhưng hiếm gặp nên có thể bị bỏ sót. Đến nay, chỉ khoảng 600 ca bệnh được báo cáo trên thế giới. Bệnh có tỷ lệ tử vong 100% nếu không được điều trị. Điều trị muộn, bệnh nhân vẫn có nguy cơ tử vong rất cao.

"Hơn 20 năm làm ngành y, phẫu thuật hàng nghìn ca bệnh nhưng đến nay tôi mới chỉ tiếp nhận 7 ca áp xe lách. Ca bệnh này có đầy đủ các nguy cơ bệnh nặng, có thể tử vong, may mắn điều trị thành công", bác sĩ nói. Bệnh hiếm gặp, triệu chứng mơ hồ và có tỷ lệ tử vong rất cao nên chẩn đoán sớm và điều trị thành công một ca áp xe lách không đơn giản.

Lách là trung tâm của hệ miễn dịch, hoạt động chủ yếu như một bộ lọc máu. Khi hệ miễn dịch tự nhiên của con người bị suy yếu, vi khuẩn hoặc vi nấm theo đường máu tấn công trực tiếp, dồn dập vào trung tâm của hệ miễn dịch, sẽ vượt qua khả năng tự bảo vệ của cơ thể và gây ra bệnh lý áp xe lách. Hệ miễn dịch tự nhiên suy yếu thường gặp ở những người bị suy giảm miễn dịch mắc phải, người mắc bệnh lý mạn tính (đặc biệt là bệnh đái tháo đường mới mắc hoặc kiểm soát đường huyết), dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, tiêm chích không đảm bảo vô trùng...

"Lách thông nối trực tiếp với các mạch máu lớn nên từ ổ áp xe, vi khuẩn hoặc nấm gây bệnh sẽ tiếp tục làm nhiễm khuẩn huyết và theo dòng máu gây bệnh tất cả các cơ quan trong cơ thể", bác sĩ phân tích. Bệnh nhân bị áp xe lách thường bị suy giảm miễn dịch và yếu đi đột ngột mới phát hiện bệnh, cơ thể chống đỡ rất yếu ớt, nếu phát hiện chậm và cứ điều trị chậm một ngày thì bệnh nhân càng giảm đi tỷ lệ sống.

Lá lách bình thường và lách áp xe. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Do lách nằm sâu dưới vòm hoành trái được bảo vệ bởi khung lồng ngực và cơ hoành trái rất dày nên biểu hiện của bệnh rất mơ hồ, khó phát hiện. Triệu chứng đặc trưng nhất là sốt cao do nhiễm khuẩn huyết và đau bụng trên trái. Ngày nay, bệnh có thể được chẩn đoán sớm hơn nhờ siêu âm bụng và đặc biệt là CT-scan bụng cản quang, song đòi hỏi bác sĩ phải nghĩ đến để chỉ định.

Lê Phương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020