Chuyên mục  


Amelia, ở ở Birmingham, vốn là cô bé năng động, thích thể thao, khiêu vũ và khỏe mạnh đến mức gần như không bị ốm. Vì vậy, khi bác sĩ xác định các triệu chứng nhẹ như đau sưng đùi trái vào ban đêm của em là dấu hiệu ung thư, mọi người đều không thể hiểu được.

Ung thư xương là loại ung thư phổ biến ở trẻ em, với khoảng 30 trường hợp được chẩn đoán tại Anh mỗi năm. Các chuyên gia vẫn chưa biết nguyên nhân gây ra tình trạng này. Các triệu chứng là đau, tấy đỏ và sưng. Trong trường hợp của Amelia, cơn đau ban đầu rất nhẹ, khiến cả gia đình cho rằng cô bé chỉ bị căng cơ.

Vài ngày sau, đùi cô bé bắt đầu tấy lên. Cả gia đình quyết định đưa Amelia đi điều trị. Trong 24 giờ tiếp theo, Amelia vẫn cử động được, song vết sưng ngày càng nặng. Em cảm thấy đau dữ dội vào ban đêm. Một tuần sau, Michelle con gái trở lại viện và yêu cầu chụp X-quang. Lúc này, bác sĩ mới phát hiện khối u dài 10 cm, rộng 1 cm, to đến mức khiến em bị gãy xương đùi trái. Chẩn đoán đưa ra đúng ngày sinh nhật 7 tuổi. Rời xa những món quà sinh nhật, cả gia đình vào viện chuẩn bị cho quá trình hóa trị để thu nhỏ khối u của em.

Kế hoạch ban đầu là thực hiện phẫu thuật bảo tồn chân, loại bỏ khối u cùng xương, các mô xung quanh và lắp khớp kim loại để tăng cường sức mạnh cho chân. Tuy nhiên. sau hai đợt hóa trị kéo dài 10 tuần, khối u 10 cm không thuyên giảm, gia đình Amelia đối mặt với tin tức khủng khiếp nhất: các bác sĩ sẽ phải cắt bỏ xương đùi cô bé để ngăn u di căn. Điều này có nghĩa Amelia sẽ không bao giờ nhảy múa được nữa, dù có chân giả. Việc đi lại khi không có nạng cũng gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, giáo sư Lee Jeys, bác sĩ phẫu thuật chính của Bệnh viện Chỉnh hình Hoàng gia ở Birmingham, đưa đến một giải pháp khác: phẫu thuật "xoay ngược" (rotationplasty). Đây là phương pháp thường sử dụng để điều trị các khối u xương ác tính sinh ra gần đầu gối của bệnh nhi. Trong đó, khối u cùng một phần xương đùi và đầu gối bị cắt bỏ. Phần chân dưới được giữ lại, xoay 180 độ và gắn vào phần xương đùi còn lại, sao cho bàn chân ở phía sau. Cổ chân được dùng làm khớp gối mới. Với sự trợ giúp của chân giả tương ứng, bệnh nhân có thể tiếp tục tất cả hoạt động như trước phẫu thuật.

Phần vì thiếu kinh nghiệm và đào tạo, phương pháp này ít khi được thực hiện. Giáo sư Jeys là một trong số rất ít bác sĩ ở Anh có thể làm điều này. Ông mới phẫu thuật xoay chân cho bệnh nhân 16 lần trong toàn sự nghiệp. Tần suất khoảng một năm một lần, bệnh nhân độ tuổi từ 4 đến 32.

Amelia chụp ảnh cùng gia đình khi đã phẫu thuật loại bỏ khối u ở chân. Ảnh: Daily Mail

Ông cho biết nếu khối u không liên quan đến các mạch máu chính, các bác sĩ sẽ gắn bộ phận giả bằng kim loại (thường là khớp giả) để hỗ trợ bệnh nhân di chuyển. Tuy nhiên, các loại khớp giả này dễ bị mài mòn, cần sửa lại khi chân người bệnh tiếp tục phát triển. Vì vậy, họ phải thực hiện nhiều cuộc phẫu thuật suốt đời, nguy cơ nhiễm trùng tăng lên sau mỗi lần, có thể dẫn đến cắt cụt chi.

"Ưu điểm của phẫu thuật xoay ngược là chỉ cần thực hiện một lần, ít vấn đề hơn. Nhưng để mắt cá chân hoạt động như khớp gối, bàn chân phải quay ngược về phía sau", giáo sư Jeys giải thích.

Ông Jeys nói thêm đây là loại phẫu thuật duy nhất trong đó dây thần kinh còn nguyên vẹn, bệnh nhân có thể cử động chân ngay sau khi thức dậy.

"Nó luôn khiến tôi rơi nước mắt. Thật khó tin khi chỉ vài giờ trước đó, đùi của bệnh nhân còn nằm trên bàn mổ, rời từng mảnh với dây thần kinh ở giữa. Bạn gắn mọi thứ với nhau và chúng hoạt động được", ông chia sẻ.

Tỉnh dậy trong phòng hồi sức sau mổ, Amelia hoàn toàn không bối rối trước chiếc chân xoay ngược. Điều cuối cùng cô bé nói trước khi gây mê là "tạm biệt khối u" và vẫy tay chào chiếc chân. Hai ngày sau ca phẫu thuật, Amelia đã có thể ra khỏi giường và đứng trên khung tập đi. Cô bé tự hào vì điều này vì biết ung thư đã biến mất.

Nhược điểm dễ thấy của phẫu thuật này là bàn chân xoay về hướng ngược lại, gây khó khăn về mặt tâm lý đối với một số người. Để tiếp nhận ca mổ một cách thoải mái hơn, cha mẹ của Amelia đã tìm kiếm thông tin trên mạng.

"Chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng thủ thuật này không có nhược điểm nhiều. Chúng tôi đã vượt qua hình ảnh bàn chân xoay ngược khá nhanh vì biết rõ nó sẽ mang lại cơ hội tốt hơn cho con gái", Richard, bố của bệnh nhi, nói.

Giờ đây, Amelia có thể chạy, trượt patin, leo núi và khiêu vũ. Tháng 9 tới, cô bé sẽ nhận một suất học bổng tại Học viện Nghệ thuật Biểu diễn Chính thống ở Birmingham. Cô bé chưa từng xấu hổ với chiếc chân giả.

"Tôi có cảm giác tự hào vì những vết sẹo của mình. Tôi có thể thấy mọi người đã trưởng thành đến thế nào từ những trải nghiệm khác biệt của họ", cô bé tâm sự.

Thục Linh (Theo Daily Mail)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020