Cà chua chứa một loại enzyme có thể chuyển hóa provitamin D3 thành cholesterol. Bằng cách thay đổi enzyme này, các nhà khoa học đã ngăn chặn quá trình chuyển hóa, nghĩa là vitamin D3 vẫn tích tụ trong quả và lá cà chua.
Để làm được điều đó, nhóm chuyên gia sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene Crispr-Cas9. Giáo sư Jie Li, trung tâm John Innes ở Norwich, nhận định công nghệ này giống như một chiếc nhíp phân tử, có thể cắt chính xác đoạn gene nhỏ nhằm nâng cao đặc điểm mong muốn ở thực vật, nhanh hơn nhiều so với quy trình nhân giống truyền thống. Cà chua chỉnh sửa gene không chứa bất cứ đoạn DNA ngoại lai nào từ loài khác.
"Cà chua được chỉnh sửa gene chứa lượng provitamin D3 ở mức cao hơn khuyến nghị, tốt cho sức khỏe của nhiều người, đặc biệt khi đây là loại thực phẩm dễ ăn và dễ mua", Guy Poppy, giáo sư sinh thái học tại Đại học Southampton, cho biết.
Theo tính toán, lượng provitamin D3 trong một quả cà chua tương đương với hai quả trứng cỡ vừa hoặc 28g cá ngừ.
Các chuyên gia thành công tạo ra loại cà chua biến đổi gene giúp tăng hàm lượng vitamin D. Ảnh: Racool Studio
Để quá trình chuyển hóa diễn ra hiệu quả, trái cây chỉnh sửa gene vẫn cần tiếp xúc với ánh sáng UVB, tức là được trồng ngoài trời. Các nhà nghiên cứu dự định thử nghiệm điều này trong nghiên cứu thực địa sắp tới.
"Đây là ví dụ tuyệt vời về việc sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene để tạo ra thay đổi cụ thể cho cây trồng", giáo sư Gideon Henderson, cố vấn khoa học tại Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn, cho biết.
Khác với thực phẩm biến đổi gene (GMO), cà chua chỉnh sửa theo công nghệ Crispr-Cas9, không chứa gene từ các sinh vật khác. Giáo sư Cathie Martin tại Trung tâm John Innes, giám sát viên của nghiên cứu, cho biết các nhà khoa học đã chứng minh tiềm năng của của kỹ thuật này trong việc tạo ra những đặc tính dinh dưỡng của các loại thực phẩm.
Thục Linh (Theo Guardian)