Các bác sĩ nhận hàng trăm triệu tiền thu hút của tỉnh Bình Dương hoặc được cử đi học nhưng nghỉ việc trước khi hoàn thành cam kết, cũng không hoàn trả tiền đã nhận - Ảnh: B.S.
Các bác sĩ vi phạm gì?
Ngày 2-3, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương xác nhận vừa có văn bản đề nghị các sở y tế, bệnh viện, phòng khám và các trường y trong và ngoài tỉnh không tiếp nhận, ký hợp đồng, tuyển dụng hay đào tạo đối với 6 bác sĩ tự ý bỏ việc, vi phạm cam kết với tỉnh Bình Dương.
Đây là trường hợp khá hy hữu, được cho là xuất phát từ bức xúc của cơ quan quản lý y tế tỉnh Bình Dương với các bác sĩ không thực hiện cam kết, trong bối cảnh nhân lực y tế thiếu hụt và chịu nhiều áp lực.
Đa phần các trường hợp bác sĩ bị Sở Y tế tỉnh Bình Dương ra văn bản đề nghị "cấm cửa" do đã nhận tiền ưu đãi, hoặc được hỗ trợ đào tạo nhưng chưa hoàn thành thời gian làm việc theo cam kết.
Một số trường hợp được UBND tỉnh Bình Dương cử đi đào tạo tại Trường Đại học Y dược Cần Thơ.
Trong thời gian học được ngân sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí hàng tháng, cam kết làm việc trong thời gian gấp 2 lần thời gian học nhưng tới nay cũng đã nghỉ việc mà chưa hoàn trả tiền đã được hỗ trợ.
Tiêu biểu như: bác sĩ N.M.T., 30 tuổi, chuyên khoa nhi tại Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng; bác sĩ Tr.T.T., 31 tuổi, Khoa tim mạch; bác sĩ N.T.G. 33 tuổi, Khoa nội Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Văn bản của Sở Y tế tỉnh Bình Dương đề nghị "không tiếp nhận, ký hợp đồng, tuyển dụng, đào tạo" với một số trường hợp bác sĩ tự ý nghỉ việc sau khi nhận ưu đãi của ngân sách - Ảnh: B.S. chụp lại.
Tỉnh ra văn bản để "khuyến cáo"?
Tại sao Sở Y tế tỉnh Bình Dương không kiện các bác sĩ vi phạm hợp đồng ra tòa, mà ban hành văn bản "lạ" nêu trên dựa trên cơ sở pháp lý nào, liệu có phù hợp pháp luật?
Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Huỳnh Minh Chín - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương - cho biết văn bản của sở chỉ có tính chất "khuyến cáo" các sở y tế, bệnh viện, phòng khám và các trường y cân nhắc, đề nghị các bác sĩ hoàn thành nghĩa vụ, hoặc hoàn trả kinh phí cho Nhà nước.
Các trường hợp bác sĩ nói trên đã nhận tiền ngân sách nhưng vi phạm cam kết, tự ý bỏ việc, theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương thì họ đã vi phạm hợp đồng và theo quy định sẽ phải lập hội đồng để tiến hành kỷ luật, thậm chí là kiện ra tòa và thu hồi giấy phép hành nghề tạm thời.
Hiện sở mới ra văn bản khuyến cáo như trên với mong muốn các bác sĩ tự giác, nâng cao tinh thần trách nhiệm với Nhà nước và ngành y tế, trước khi cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục về hành chính, pháp lý tiếp theo.
Nhận hàng trăm triệu hỗ trợ nhưng nghỉ việc chưa trả lại
Bác sĩ Tr.Đ.G., 30 tuổi, là bác sĩ hạng III tại khoa Thần kinh - Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nhận 400 triệu đồng tiền thu hút theo quyết định của UBND tỉnh Bình Dương, cam kết phục vụ ít nhất 10 năm từ tháng 11-2019 nhưng sau 3 năm đã nghỉ việc.
Tương tự, bác sĩ N.H.T., 31 tuổi, khoa Nội tim mạch Bệnh viện đa khoa tỉnh nhận 420 triệu đồng theo chế độ thu hút bác sĩ của Bình Dương nhưng tự ý nghỉ việc khi chưa đủ thời gian cam kết, chưa hoàn trả lại số tiền đã nhận.
Bác sĩ N.T.T.S., 31 tuổi, khoa Nhi nhận hỗ trợ 100 triệu và cũng cam kết làm việc 10 năm nhưng đã nghỉ việc, trong thời gian làm việc tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương đã tự xác nhận tại một bệnh viện khác ở Bình Phước để đăng ký học chuyên khoa I tại Đại học Y dược TP.HCM.