Ngày 23/11, ông Trần Văn Tuyên, Cục Khoa học Công nghệ Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đáp ứng các điều kiện để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Từ ngày 1/1/2024, bệnh viện bắt đầu không sử dụng bệnh án giấy, lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế thay cho việc in phim, lưu trữ thông tin xét nghiệm thay cho in giấy.
Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện triển khai giám định, thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với hồ sơ bệnh án điện tử của người bệnh, tiếp tục thực hiện nhiều dịch vụ chất lượng cao, giúp ngành y tế TP HCM phát triển trong thời gian tới.
Lãnh đạo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và các đại biểu thực hiện nghi thức kích hoạt triển khai bệnh án điện tử, tại lễ kỷ niệm 120 năm thành lập bệnh viện, ngày 23/11. Ảnh: Lê Phương
Bệnh án điện tử là một trong nhiều mục tiêu chiến lược chuyển đổi số y tế quốc gia. Theo Thông tư 46/2018, Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2023 các bệnh viện hạng một trở lên phải triển khai bệnh án điện tử; từ năm 2024-2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, tuy nhiên quá trình triển khai rất chậm. Trong dự thảo mới đây, Bộ đề xuất đến hết năm 2025, tất cả bệnh viện trên cả nước phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử.
Việt Nam hiện có khoảng 1.300 cơ sở y tế, gồm khoảng 135 bệnh viện hạng một công lập (tuyến trung ương, địa phương) và tư nhân. Đến giữa tháng 8, cả nước có mới chỉ 50 cơ sở y tế (gồm cả công lập và tư nhân) chính thức công bố chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là cơ sở đa khoa hạng một, thuộc Sở Y tế TP HCM. Từ một trạm y tế đặt trong ngôi nhà lá nhỏ của một đông y sĩ chuyên chữa trị miễn phí cho cộng đồng người Hoa ra đời năm 1903, nơi này từng bước phát triển, được đổi tên thành Bệnh viện Nguyễn Tri Phương năm 1978. Hiện, mỗi năm bệnh viện khám gần 600.000 lượt bệnh nhân ngoại trú, điều trị gần 50.000 lượt bệnh nội trú. Dịp này, bệnh viện đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đánh giá cao những nỗ lực của bệnh viện trong chăm sóc sức khỏe người dân, cùng các bệnh viện khác không ngừng phát triển các kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước trong khu vực, hướng đến mục tiêu xây dựng TP HCM là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN. Thành phố không chỉ tập trung chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho hơn 10 triệu dân trên địa bàn mà còn tiếp nhận người bệnh đến từ rất nhiều địa phương trong cả nước, kể cả người nước ngoài.
Theo ông Đức, ngành y tế cần tập trung cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, đào tạo nhân lực cho các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hướng đến phát triển y tế kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu của người bệnh trong và ngoài nước.
Lê Phương