Bé được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, xét nghiệm dịch não tủy âm tính, loại trừ biến chứng giang mai thần kinh. Bác sĩ điều trị cho bé bằng kháng sinh kết hợp truyền hồng cầu để cải thiện thiếu máu. Sau 5 ngày, các tổn thương ngoài da giảm dần, bé hết sốt và ăn uống tốt hơn, sức khỏe ổn định.
Ngày 19/12, bác sĩ Nguyễn Mạnh Trường, Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bé sinh đủ tháng nhưng chỉ nặng 1,6 kg, là dấu hiệu rõ rệt của tình trạng suy dinh dưỡng bào thai do ảnh hưởng từ bệnh giang mai bẩm sinh. Cả bố và mẹ bé đều mắc giang mai nhưng không biết, vì vậy quá trình mang thai không điều trị. Hiện, các bác sĩ điều trị cho cả bố mẹ bé.
Bác sĩ kiểm tra cho mẹ và bé trước khi ra viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Giang mai là bệnh do xoắn khuẩn Treponema pallidum, lây qua đường tình dục, chủ yếu gặp ở người lớn, song có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào. Giang mai bẩm sinh là trường hợp mẹ mắc bệnh giang mai và truyền cho thai nhi, xảy ra từ tháng 4-5 của thai kỳ.
Ở mức độ nặng, bệnh có thể khiến sảy thai, thai chết lưu, trẻ sinh non và tử vong. Trường hợp nhẹ hơn, em bé mới sinh trông có vẻ bình thường, sau vài ngày hoặc vài tháng mới xuất hiện các thương tổn, khi đó gọi là giang mai bẩm sinh sớm. Bệnh có thể xuất hiện muộn hơn khi trẻ trên 2 tuổi, khi 5-6 tuổi hoặc lớn hơn gọi là giang mai bẩm sinh muộn.
Biểu hiện của giang mai bẩm sinh sớm là phỏng nước lòng bàn tay, chân, thường gặp hơn là triệu chứng bong vảy, sổ mũi, khụt khịt mũi, viêm xương sụn, giả liệt Parrot (do viêm các đầu xương dài làm trở ngại vận động). Trẻ thường nhẹ cân, da nhăn nheo, bụng, gan, lách to...
Biểu hiện giang mai bẩm sinh muộn có dấu hiệu viêm giác mạc kẽ (thường xuất hiện lúc dậy thì), nhức mắt, sợ ánh sáng ở một bên, điếc, lác. Ngoài ra, có thể thấy các dị hình như thủng vòm miệng, trán dô, xương chày lưỡi kiếm.
Giang mai phát hiện sớm có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh, tỷ lệ khỏi bệnh cao và không để lại di chứng. Bệnh giai đoạn muộn, phát triển nặng hơn gây nhiều biến chứng về nội tạng, thần kinh. Bệnh nhân phải tiêm tĩnh mạch mỗi ngày, ngưng quan hệ tình dục cho đến khi chữa khỏi.
Phụ nữ mang thai nên sàng lọc bệnh giang mai ít nhất một lần để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, giúp phòng ngừa và loại trừ hiệu quả nhất bệnh, tránh lây cho con.
Thúy Quỳnh