Ngày 5/11, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bé gái ngụ Vĩnh Long sốt, nôn ói hai ngày, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay chân. Đến ngày thứ ba, bé giật mình chới với, trợn mắt run chi nên nhập viện địa phương.
Bé không cải thiện, suy hô hấp, được đặt nội khí quản chuyển đến TP HCM. Khi vào viện, bé lơ mơ, nhịp tim tăng nhanh, sốt cao liên tục, men tim và men gan tăng, bác sĩ xác định mắc tay chân miệng độ 4 - độ nặng nhất. Kíp điều trị áp dụng nhiều phương pháp hồi sức tích cực, song tình trạng bệnh vẫn diễn tiến phức tạp, nhịp tim tiếp tục tăng cao, siêu âm tim co bóp kém phân suất tống máu EF còn 25-30% (bình thường 50-70%).
Bệnh nhi được điều trị tích cực với nhiều phương tiện hỗ trợ như thở máy, lọc máu liên tục, can thiệp ECMO. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Các bác sĩ hội chẩn, quyết định áp dụng kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Sau hai tuần điều trị, sức khỏe bé cải thiện dần, tỉnh táo, cai ECMO, cai máy thở. Bệnh nhi được tiếp tục theo dõi điều trị tích cực.
Tuần qua, TP HCM ghi nhận hơn 1.900 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 14% so với trung bình tháng trước. Năm nay, số ca mắc đạt đỉnh lần thứ nhất vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, sau đó giảm dần đến đầu tháng 9 bắt đầu tăng trở lại và tăng mạnh liên tục cho đến nay. Tác nhân chủ yếu gây tay chân miệng năm nay là EV71 - chủng virus gây bệnh nặng, nguy cơ tử vong nhiều hơn.
Bệnh tay chân miệng diễn biến nặng vốn diễn tiến nhanh. Nhiều trẻ mắc tay chân miệng đang tỉnh táo vui chơi thì đột ngột giật mình chới với rồi nhanh chóng diễn tiến suy hô hấp, ngưng thở.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh lưu ý phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tay chân miệng gồm hồng ban, bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông và loét họng để đi khám bệnh. Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu nặng gồm: sốt cao liên tục khó hạ, sốt trên hai ngày; nôn ói nhiều; giật mình chới với; run chi, đi đứng loạng choạng; thở mệt; chi lạnh, da nổi bông; co giật, rối loạn tri giác...
Lê Phương