Ngày 9/1, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mới đây, các bác sĩ đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị cho bé gái 6 tuổi nhập viện trong tình trạng đau nhẹ vùng bộ phận sinh dục.
Khai thác bệnh sử được biết, trước khi nhập viện 1 ngày, trẻ đã tự nhét đồ chơi trong túi mù vào vùng kín của mình. Sau đó, trẻ đã cố gắng lấy dị vật ra nhưng không thành công. Ngay sau khi phát hiện ra sự việc, gia đình đã đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám và điều trị.
Dị vật được lấy ra khỏi vùng kín bé gái. Ảnh: BVCC.
ThS.BSNT Nguyễn Tiến Mạnh – Khoa Ngoại Tiết niệu cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng và siêu âm cho bé. Kết quả siêu âm phát hiện dị vật nằm sát cổ tử cung trong âm đạo của trẻ, có cấu trúc tăng âm kèm bóng cản.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định nội soi âm đạo và thực hiện gắp dị vật ra khỏi âm đạo cho bệnh nhi. Dị vật là một đồ chơi trong túi mù, kích thước 13x12mm.
Sau khi được các bác sĩ lấy dị vật, tình trạng sức khỏe của trẻ ổn định và đã được xuất viện.
Thận trọng khi lựa chọn đồ chơi cho trẻ
Đồ chơi trong túi mù (còn được gọi là "mystery bag" hoặc "blind bag") là một loại túi chứa các đồ vật ngẫu nhiên bằng nhựa có kích thước đa dạng, người dùng không thể biết trước những đồ chứa bên trong. Vì vậy, thời gian gần đây, trào lưu "xé túi mù" thu hút sự quan tâm của giới trẻ, trong đó có trẻ nhỏ.
Theo các bác sĩ, mặc dù đồ chơi túi mù rất phổ biến và được nhiều trẻ yêu thích bởi sự đa dạng và màu sắc bắt mắt nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Những món đồ này thường có kích thước nhỏ gọn, dễ dàng bị trẻ em cho vào miệng, tai, mũi. Đặc biệt, đối với bé gái có thể vô tình đưa các vật thể vào bộ phận sinh dục mà không nhận thức được hậu quả.
Trào lưu xé túi mù đang hot thời gian gần đây. Ảnh minh họa
Khi đồ chơi bị mắc kẹt trong cơ thể, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như: gây nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục, dẫn đến đau đớn, sưng tấy và chảy mủ.
Từ trường hợp này, BS Mạnh khuyến cáo, để tránh các tai nạn tương tự xảy ra đối với trẻ, các bậc cha mẹ cần giám sát khi trẻ chơi, đảm bảo trẻ chỉ sử dụng những đồ chơi an toàn và phù hợp với độ tuổi; không có các chi tiết nhỏ có thể khiến trẻ vô tình bị nuốt hoặc đưa vào cơ thể.
Bên cạnh đó, dạy trẻ về cơ thể của mình, đặc biệt là những vùng nhạy cảm, để bé có thể tự nhận thức và tránh những hành vi nguy hiểm.
Khi nhận thấy trẻ có tình trạng đau hoặc chảy máu, dịch nhầy bất thường ở vùng kín, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
GĐXH – Trẻ được đưa đến viện trong tình trạng ban sởi toàn thân, phù nề mi mắt, xuất huyết tại các vị trí tiêm truyền. Chẩn đoán hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), một biến chứng nặng của sởi.