Chuyên mục  


Gia đình cho biết ông ra đi tại Cambridge, Anh, vào tối 6/1. Trả lời BBC, Russell Calne, con trai giáo sư Calne, cho biết ông là "một người cha tuyệt vời".

"Tất cả chúng tôi đều rất tự hào về những gì ông đã làm được", anh nói.

Sinh ra ở Richmond, Surrey, giáo sư Calne học Đại học Lance, sau đó được đào tạo ngành y tại Bệnh viện Guys, London. Ông là người đầu tiên sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn chặn đào thải các cơ quan hiến tặng. Đây là nền tảng cho lĩnh vực ghép tạng toàn thế giới. Nhiều loại thuốc ức chế miễn dịch được ông giới thiệu vẫn còn sử dụng tới ngày nay để ngăn thải ghép, phòng biến chứng và tử vong. Một trong số đó là Cyclosporine.

Năm 1965, giáo sư Calne đứng đầu chương trình ghép thận ở Cambridge. Ba năm sau, ông thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên ở Anh. Bệnh nhân là một phụ nữ 46 tuổi bị ung thư gan. Người này tử vong hai tháng sau đó do nhiễm trùng.

Với những đóng góp của mình, giáo sư được bầu làm Thành viên Hiệp hội Hoàng gia năm 1974, được phong tước Hiệp sĩ năm 1986. Một năm sau, cùng với bác sĩ John Wallwork, ông thực hiện ca phẫu thuật ghép tim, gan và phổi đầu tiên trên thế giới, thực hiện tại Bệnh viện Hoàng gia Papworth.

Ông đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có Pride of Britain cho thành tựu trọn đời, năm 2014.

Bác sĩ Roy Calne, người tiên phong trong lĩnh vực ghép tạng. Ảnh: Calne family

Theo Hiệp hội Hoàng gia Anh, giáo sư Calne đã thực hiện một trong những ca phẫu thuật tiên phong của thế giới. Đóng góp của ông trong ngành ghép gan đã giúp đỡ hàng nghìn người bệnh có cuộc sống bình thường trong giai đoạn cuối đời.

Mike More, Chủ tịch Bệnh viện Đại học Cambridge, cho biết giáo sư Calne đã truyền cảm hứng cho các thế hệ bác sĩ lâm sàng tương lai.

"Ngài Roy để lại một di sản đáng kinh ngạc. Nhiều nhân viên y tế sẽ nhớ đến ông với lòng yêu mến, tầm nhìn và sự chân thành", ông nói.

Dame Esther Rantzen, người dẫn chương trình truyền hình BBC, cho biết giáo sư Calne là một bác sĩ phẫu thuật "cực kỳ can đảm". Ông từng liên lạc với cô để tìm cách cứu một cậu bé hai tuổi, chỉ sống được vài tuần nếu không tìm được người hiến tạng.

"Cha tôi rất say mê công việc. Ông cũng là một con người của học thuật. Ông từng gặp ác mộng về những bệnh nhân đã chết", con trai ông cho biết, thêm rằng "con đường thành công của ông không trải hoa hồng. Nhiều thời điểm, ông rất áp lực, nhưng không bao giờ thể hiện ra.

Trong các cuộc phỏng vấn, giáo sư Calne từng chia sẻ "không coi thời điểm thực hiện những ca cấy ghép mang tính nền tảng là cột mốc quan trọng". Ca phẫu thuật ông tiến hành với nữ bệnh nhân 46 tuổi ung thư gan ở trên cũng chỉ là một bước trong tiến trình phát triển phương pháp cấy ghép. Ông nhắc đến thực tế rằng bệnh nhân đã tử vong hai tháng sau đó vì viêm phổi, dù ca phẫu thuật thành công.

Khi được hỏi về tầm quan trọng của phẫu thuật, ông nói: "Chúng tôi không nhìn nhận nó theo cách đó. Chúng tôi xem xét từng bước. Liệu có thể phẫu thuật cho bệnh nhân không? Liệu phương pháp miễn dịch có hiệu quả không? Liệu chúng ta có thể ngăn nhiễm trùng ở tình trạng xấu hay không?".

Thục Linh (Theo Guardian, BBC)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020