Dinh dưỡng và thể thao là 2 yếu tố quan trọng giúp tăng trưởng chiều cao, bên cạnh các yếu tố di truyền, giấc ngủ...
Về yếu tố di truyền, cha mẹ có thể dùng công thức tính chiều cao y học di truyền sau đây làm tài liệu tham khảo, để biết khi con 25 tuổi thì bố mẹ di truyền cho con chiều cao bao nhiêu cm.
Chiều cao của con trai = (bố + mẹ) : 2 + 6,5
Chiều cao của con gái = (bố + mẹ) : 2 - 6,5
Một số nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ em Đông Á nếu 2 tuổi cao 84cm là đạt chuẩn, thì từ 2 - 12 tuổi mỗi năm trẻ sẽ cao thêm 7cm, vậy cha mẹ có thể ước lượng sơ bộ chiều cao của trẻ từ 2 đến 12 tuổi là: chiều cao (cm) = tuổi × 7 + 70 (cm). Nếu chiều cao của con dưới 10% là có vấn đề.
Những giai đoạn phát triển chiều cao
Để cải thiện chiều cao của trẻ, việc đầu tiên cha mẹ cần nắm được các giai đoạn tăng trưởng và phát triển, từ đó mới giúp con cao hơn bố mẹ.
* Giai đoạn nền tảng - Mầm non
Mầm non (từ 4 - 6 tuổi) là giai đoạn nền tảng để trẻ cao lớn hơn, việc bổ sung canxi rất quan trọng, nó giúp trẻ phát triển chiều cao sau này, vì xương của trẻ ở giai đoạn mầm non đang trong thời kỳ dự trữ, nhu cầu canxi hằng ngày để phát triển xương là 800mg/ngày.
Trẻ trong độ tuổi này nếu bị còi, biếng ăn, thiếu hụt canxi sẽ ảnh hưởng đến lượng canxi dự trữ trong xương, trực tiếp dẫn đến tình trạng trẻ bị thấp lùn và giảm phát triển chiều cao trong quá trình phát triển.
* Giai đoạn bùng nổ - Tuổi học trò
Tuổi học trò (từ 10 - 16 tuổi) là thời kỳ phát triển bùng nổ chiều cao của trẻ. Độ tuổi phát triển chiều cao nhanh nhất ở trẻ nữ từ 11 - 13, ở trẻ nam từ 13 - 15 tuổi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cứ 30.000mg canxi được trẻ hấp thụ trong giai đoạn này thì chiều cao có thể tăng thêm 1cm.
* Giai đoạn nước rút - Thanh niên
Từ 17 - 25 tuổi đối với nam và 16 - 23 tuổi đối với nữ là giai đoạn nước rút cuối cùng của quá trình phát triển chiều cao. Ở độ tuổi này, sụn đầu xương chưa thực sự cốt hóa, nên vẫn có khả năng tăng chiều cao từ 2cm đến 3cm mỗi năm, nên việc bổ sung canxi là rất quan trọng.
Ba giai đoạn tăng trưởng vàng của trẻ giống như quân domino, liên kết với nhau, là một quá trình diễn ra liên tục, năng động, giai đoạn này là cơ sở cho các giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
Các biện pháp để phát triển chiều cao
Để trẻ cao lớn hơn so với cha mẹ, cần đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, vận động và các vấn đề khác của trẻ trong từng giai đoạn.
* Dinh dưỡng
Bổ sung dinh dưỡng là chìa khóa cho sự tăng trưởng chiều cao của trẻ. Năng lượng, protein và axit amin cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể phải được cung cấp bởi thực phẩm.
Quá trình hình thành xương cũng cần có đủ lượng canxi, phốt pho, một lượng mangan và sắt. Lượng canxi không đủ và thiếu vitamin D sẽ dẫn đến quá trình khoáng hóa xương không đủ, thiếu vitamin A sẽ làm xương ngắn và dày lên, thiếu vitamin C sẽ gây ra khuyết tật hình thành kẽ tế bào xương và trở nên giòn, tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của xương.
Về chế độ ăn uống, có thể chọn sữa làm thức uống giải khát, sữa có ưu điểm là bổ sung canxi. Các loại thịt có hàm lượng đạm cao được khuyến khích dùng làm thực phẩm như cá, thịt bò, thịt gà...
Cũng cần chú ý đến các nguyên tố vi lượng như kẽm, canxi, sắt. Thiếu những yếu tố này có thể khiến trẻ thấp lùn, thừa sẽ gây béo phì.
Điều quan trọng nhất là phải cân bằng dinh dưỡng, giáo dục trẻ không kén chọn khi ăn, khẩu phần ăn đa dạng, gia đình và trường học cần xây dựng bữa ăn theo tiêu chuẩn khoa học.
* Xây dựng thói quen tốt
Đầu tiên là những hoạt động ngoài trời, mỗi ngày đi học phải có ít nhất 1 giờ bước ra khỏi lớp, phơi nắng nhất là vào buổi sáng có thể tổng hợp vitamin D, từ đó bổ sung canxi cho xương, giúp trẻ cao lớn hơn.
Tiếp theo là xây dựng thói quen đi ngủ sớm, dậy sớm, ngủ đủ giấc. Ở trạng thái ngủ say, buổi tối từ 22h - 2h là thời gian tiết hormone tăng trưởng cao nhất, vì vậy không nên thức khuya. Trẻ em từ 3-5 tuổi thường ngủ từ 9-13 tiếng, nên đi ngủ trước 20h30 tối và dậy sau 7h sáng.
Học sinh tiểu học ngủ 8 tiếng mỗi ngày, cha mẹ nên cho con ngủ trước 21h30 và thức dậy từ 5 - 7h sáng, đảm bảo ngủ 8 tiếng mỗi ngày.
Nâng cao khả năng miễn dịch cơ thể, đây cũng là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến chiều cao, cha mẹ cần chú ý nâng cao khả năng miễn dịch cho trẻ. Nếu khả năng miễn dịch thấp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ. Nếu trẻ mắc các bệnh mãn tính như ho lâu ngày, viêm mũi dị ứng thì cần điều trị càng sớm càng tốt.
* Vận động
Trẻ cần tăng cường vận động, các môn như nhảy, tập thể dục sẽ giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, đẩy nhanh lưu thông máu, thúc đẩy tiết hormone tăng trưởng, đẩy nhanh sự phát triển của mô xương, thúc đẩy phát triển chiều cao.
Nhưng cần chú ý vận động hợp lý, đừng bắt trẻ vận động cường độ cao như vận động viên, vì như vậy sẽ làm tăng gánh nặng cho xương khớp của trẻ và kìm hãm sự tăng trưởng, phát triển chiều cao của trẻ.
Về rèn luyện thể chất, cố gắng chọn các môn thể thao có chiều dọc như kéo xà ngang, nhảy dây, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội sẽ giúp trẻ cao lớn. Nhảy dây có tác dụng cải thiện chiều cao cho trẻ rất hiệu quả, dễ vận hành, cha mẹ có thể cho trẻ nhảy dây mỗi ngày một lần, mỗi lần mười phút, nếu kiên trì sẽ có kết quả tốt.
"Đơn thuốc tập thể dục" tăng chiều cao
1 - Buổi sáng chạy bộ 5-7 phút, sau đó thực hiện các bài tập thư giãn và dẻo dai trong 20 phút, bao gồm các động tác xoạc chân, gập người qua lại, lắc qua lắc lại người...
2 - Treo người trên xà ngang (20-30 giây mỗi lần). Có thể được treo không tải, sau đó có tải; có thể đu xà bằng tay, cũng có thể treo ngược (cả hai chân đều được cố định bằng băng).
3 - Nhảy lên tay chạm trần cao. Luân phiên nhảy bằng cả hai chân, sau đó nhảy bằng một chân. Mọi bài tập nên được thực hiện hết sức có thể và cố gắng nhảy càng cao càng tốt mỗi lần.
4 - Leo dốc hoặc cầu thang cao 20-30m, lên dốc thư giãn từ từ, xuống dốc tăng dần tốc độ tối đa, lặp lại 2-4 lần.
5 - Nhờ hai người hỗ trợ, một người nắm hai tay, một người nắm hai chân, đồng thời kéo giãn nhẹ cơ thể theo hướng ngược lại nhau trong 20 giây mỗi lần.
6 - Tập các môn thể thao như bơi lội, bóng rổ, bóng chuyền.
7 - Nhảy các môn, như Urban Dance, Freestyle, Jazz Dance...
8 - Nhảy dây hằng ngày, tự tập, từ ít đến nhiều, có thể tập sáng tối, mỗi ngày nhảy trên 200 lần