Chuyên mục  


photo1689389531169-16893895315362037539652-1689410633467-1689410633697926465096.png

Trước ca cấp cứu bằng trực thăng, Bệnh viện Quân y 175 đã tiến hành hội chẩn nhiều lần qua hệ thống Telemedicine do Đại tá, TS.BS Nguyễn Việt Cường - Phó Giám đốc bệnh viện chủ trì cùng sự tham gia của các chuyên khoa: Nội thần kinh, Phẫu thuật thần kinh, Nội tim mạch và Hồi sức cấp cứu nội.

Bước đầu các bác sĩ nhận định: Bệnh nhân H.T.B. (sinh năm 1973, trú tại Bình Sơn, Quảng Ngãi) hôn mê theo dõi đột quỵ xuất huyết não có kèm tăng huyết áp. Đồng thời đề ra các biện pháp điều trị tích cực tại chỗ cho bệnh nhân, đảm bảo dấu hiệu sinh tồn, đường thở, phối hợp báo cáo thường xuyên về bệnh viện.

Trong quá trình điều trị, bệnh diễn tiến rất nhanh với ý thức giảm, hôn mê. Do đó TS.BS Nguyễn Việt Cường quyết định cho bệnh nhân vào đất liền điều trị càng sớm càng tốt.

11 ngày trước đó , bệnh nhân thấy đau đầu, không rõ tính chất đau, buồn nôn, nôn ít, 4 ngày tiếp theo có dấu hiệu yếu chân trái, không đi lại được. Ngày 28/6, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn ý thức, liệt chân bên trái mức độ nặng. Đến 20h ngày 28/6, tình trạng rối loạn ý thức nặng hơn do đó được chỉ định đưa vào đất liền điều trị.

Ngay sau đó, vào lúc 2 giờ 45 phút sáng ngày 29/6, máy bay trực thăng EC225 mang số hiệu VN8616 của Binh đoàn 18 chở tổ Cấp cứu Đường không BVQY175 do Thiếu tá, bác sĩ Diệp Hồng Kháng - Phụ trách Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực nội làm kíp trưởng đã kịp thời đưa bệnh nhân an toàn về đến bệnh viện.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chỉ định chụp CT scan sọ não, các xét nghiệm lâm sàng khác, chẩn đoán xác định: Máu tụ dưới màng cứng bán cầu phải số lượng nhiều, giai đoạn bán cấp, phù não nặng và chuyển vào phòng mổ để phẫu thuật ngay sau đó.

Thượng tá, TS.BS Nguyễn Trung Kiên - Phó chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật thần kinh chia sẻ: "Đây là một trường hợp máu tụ bán cấp một bên của 1 bán cầu não, đã hôn mê, bệnh nhân đã được cấp cứu rất kịp thời vì chỉ trễ vài tiếng nữa là não bị phù nặng hơn thì nguy cơ để lại những di chứng sẽ rất nặng nề hoặc khả năng cao là sẽ không cứu được tính mạng của bệnh nhân. Sau khi đã có chẩn đoán chính xác rồi thì ca mổ có thể nói là rất thuận lợi và bệnh nhân tiên lượng sẽ phục hồi gần như hoàn toàn và chuyển sang nằm tại Khoa Hồi sức ngoại".

Thiếu tá BSCKI Nguyễn Quang Tường, phụ trách Phó chủ nhiệm Khoa Hồi sức ngoại khẳng định: "Tình trạng bệnh nhân sau mổ đã có cải thiện hơn. Đồng tử từ 3mm co xuống 0.5 mm, phản xạ ánh sáng (+). Đáp ứng nhanh với kích thích đau. Hô hấp huyết động ổn. Bệnh nhân tiếp tục được an thần thở máy, kiểm soát PaCO2 mục tiêu 35-40 mmHg. Kiểm soát huyết áp, thân nhiệt, đường huyết và điện giải. Ngoài ra, chúng tôi đã bổ sung các thuốc kháng sinh, chống phù não, dưỡng nào và chống động kinh sớm. Sau khi chụp CT sọ, đánh giá tình trạng phù não giảm và kích thước khối máu tụ sau phẫu thuật ổn định do đó cho bệnh nhân cai thở máy sớm và chuyển về lại Khoa Phẫu thuật thần kinh tiếp tục theo dõi, điều trị".

Hiện tại, bệnh nhân đã hồi phục tốt, nói chuyện được bình thường, không bị bất kỳ di chứng nào và được ra viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Máu tụ dưới màng cứng bán cấp, mãn tính là một bệnh cảnh khá thường gặp trong phẫu thuật thần kinh, với tỷ lệ khoảng 5/100.000 dân số. Nguyên nhân chủ yếu do chấn thương vùng đầu gây vỡ mạch máu và một tỷ lệ nhỏ do chảy máu tự phát. Những người có nguy cơ cao bị máu tụ dưới màng cứng mãn tính là người lớn tuổi, nghiện rượu, người mắc chứng sa sút trí tuệ, sử dụng thuốc chống đông…

Triệu chứng thường gặp của máu tụ dưới màng cứng mãn tính là đau đầu, lú lẫn, yếu liệt nửa người, thay đổi tính cách, trường hợp muộn có thể hôn mê. Các triệu chứng này thường diễn ra từ từ và khó phát hiện. Các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh thận mạn cũng làm tăng nguy cơ xảy ra máu tụ dưới màng cứng mãn tính.

Khác với máu tụ dưới màng cứng thể cấp tính có tỷ lệ tử vong cao, để lại di chứng nặng nề, thể mạn tính có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và điều trị sớm kịp thời.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020