Chuyên mục  


Jeong Nam-gyu sinh năm 1969 ở Jangsu, tỉnh Jeollabuk-do, là con thứ 7 trong gia đình nghèo có 9 anh chị em. Theo Jeong, hắn từng bị bố ngược đãi, bạo hành khi còn nhỏ, từng bị một người đàn ông lạm dụng tình dục khi 10 tuổi và bị tẩy chay trong hầu hết năm tháng tuổi teen.

Jeong dành phần lớn cuộc đời trong các đồn cảnh sát và nhà tù từ năm 20 tuổi. Từ năm 1989 đến 2002, Jeong liên tục vào tù ra tội vì cướp tài sản, trộm cắp, bạo lực tình dục.

Tháng 1/2004, không lâu sau khi mãn hạn tù, Jeong lên kế hoạch thực hiện vụ giết người đầu tiên. Hắn đưa hai cậu bé đến một nơi hẻo lánh, quấy rối tình dục rồi thực hiện dã tâm. Vì không tìm thấy bằng chứng, cảnh sát không thể tìm ra hung thủ.

Chưa đầy một tháng sau, Jeong dùng dao tấn công hai phụ nữ khiến một người tử vong và một người bị thương nặng. Sau đó, ngày càng có nhiều trường hợp phạm tội ngẫu nhiên ở phía Tây Nam Seoul, cách thức gây án giống nhau, đều tấn công trực diện và đâm dao vào bụng nạn nhân.

Thời gian phạm tội của Jeong tình cờ trùng khớp với kẻ giết người hàng loạt khét tiếng khác là "sát thủ áo mưa vàng" Yoo Young-chul. Yoo từng giết hại dã man 26 người, phạm tội từ tháng 9/2003 đến khi bị bắt ngày 16/7/2004. Nếu so sánh mốc thời gian phạm tội, hai kẻ này cùng gây án trong nửa đầu 2004, khiến người dân nhiều nơi hoảng sợ, bất an.

Điều này cũng khiến cảnh sát Hàn Quốc nghi ngờ Jeong có ý đồ bắt chước sau khi thấy tội ác gây rúng động của Yoo. Sau đó, nhiều chuyên gia tội phạm cũng gọi Jeong là "Yoo Young-chul thứ hai".

Sau khi Yoo bị bắt, Jeong tạm dừng gây án một năm rồi tái xuất vào tháng 4/2005, khiến cảnh sát nhận ra còn một tên sát nhân hàng loạt nguy hiểm đang ẩn nấp trong cộng đồng. Nhưng động cơ và cách thức phạm tội của hai tên này rất khác nhau. Jeong được cho là máu lạnh và nguy hiểm hơn Yoo. Hắn không giết người vì tiền tài mà nhắm vào những người yếu thế, lựa chọn nạn nhân ngẫu nhiên.

Jeong ghét những người đàn ông giàu có vì ghen tỵ với cuộc sống của họ. Tuy nhiên, mục tiêu của hắn lại là phụ nữ, trẻ em, người già và người tàn tật. Bởi vóc dáng thấp bé gầy gò với chiều cao 1,68 m, nặng 63 kg, Jeong cho biết: "Tôi chỉ chọn kẻ yếu để tránh bị bắt".

Trong khi Yoo chọn địa điểm gây án ở những khu nhà giàu như Sinsa-dong và Samseong-dong ở Gangnam, Jeong tìm mục tiêu tại các khu dân cư bình thường nhằm tránh camera giám sát. Phạm vi gây án của hắn chủ yếu ở vùng phía nam Seoul, bao gồm Shin-gil, Guro và Gwanak.

Một số người sống sót nhìn thấy mặt Jeong, nhưng hắn hành động rất cẩn thận. Không chỉ cắt bỏ đế giày, đeo găng tay để tránh để lại dấu vết, hắn còn cố tình thay đổi phương thức gây án khiến việc truy đuổi càng thêm khó khăn. Jeong dùng dao trong 7 án mạng năm 2004 và đổi sang dùng vũ khí cùn như búa, kìm cỡ lớn trong 6 vụ án sau. Hắn sợ sử dụng một phương pháp nhất quán sẽ giúp cảnh sát bắt được. Trong một số vụ, Jeong phóng hỏa đốt nhà để hủy bằng chứng sau khi giết người, cướp tài sản.

Khi đột nhập một ngôi nhà vào tháng 4/2006, Jeong lần đầu tiên định sát hại một người đàn ông trưởng thành nhưng phải trả giá vì bị hai bố con nạn nhân chống trả. Hắn bị bắt ngay sau đó.

Trong thời gian 2 năm 3 tháng, tổng cộng 13 nạn nhân vô tội đã bị Jeong sát hại và 20 nạn nhân sống sót nhưng bị thương nặng.

Jeong Nam-gyu bị áp giải đến hiện trường vụ án vào tháng 4/2016. Ảnh: Yonhap

Khi bị thẩm vấn, Jeong khai thường đi bộ vào tối muộn quanh thành phố, quan sát để tìm các ngôi nhà quên đóng cửa, hoặc sẽ nghĩ cách phá khóa rồi đột nhập nhà nạn nhân bất kỳ, tấn công ngay khi cửa mở. Jeong thú nhận đã giết một số nạn nhân nữ vì họ phản kháng khi hắn có ý định cưỡng hiếp.

Cảnh sát tìm thấy hàng chục cuốn "nhật ký tội ác", mỗi cuốn dài hàng trăm trang do Jeong viết theo thói quen. Hắn ghi lại chi tiết kế hoạch, quá trình phạm tội và cảm xúc khi gây án.

Theo đó, Jeong xem những bộ phim tội phạm, đọc sách về tâm lý học, sưu tầm những bài báo về án mạng với mục đích tham khảo. Tin tức về tội ác của chính hắn cũng được Jeong cắt ra từ báo, đính kèm chú thích, bình luận.

Để tăng cường thể lực, hắn tập chạy 10 km ba lần mỗi tuần, thiết lập bài tập riêng cho các bộ phận cơ thể và lên thực đơn bổ dưỡng.

Khi bị đưa đi dựng lại hiện trường, Jeong tỏ thái độ ngông ngênh, biểu cảm thoải mái. Trước câu hỏi "Có thấy có lỗi với nạn nhân không?" của phóng viên, Jeong kéo khẩu trang xuống và nở một nụ cười trước ống kính. Nụ cười sởn gai ốc trở thành biểu tượng của Jeong, đồng thời khơi dậy sự phẫn nộ của người dân Hàn Quốc.

Nhiều ý kiến yêu cầu xử tử hình Jeong, đòi lại công bằng cho các nạn nhân. Thời điểm này, Hàn Quốc vẫn giữ án tử hình nhưng chưa thi hành bản án nào kể từ 1997 và có ý định xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình.

Jeong Nam-gyu cười với phóng viên khi lên xe cảnh sát. Ảnh: SBS

Trên tòa, Jeong cho biết không thấy có lỗi với các nạn nhân. "Tôi bị bắt vì không may mắn. Nếu không bị bắt, tôi sẽ giết nhiều người hơn", Jeong nói. Hắn còn tuyên bố: "Tôi có thể bỏ thuốc lá, nhưng không thể bỏ việc này".

Tháng 4/2007, Jeong bị kết án tử hình vì không hề ăn năn hối cải và có khả năng tiếp tục giết người nếu trở lại xã hội. Sau hai năm ngồi tù, Jeong treo cổ tự tử bằng túi rác trong phòng giam vào 22/11/2009.

Vụ án Jeong Nam-gyu được khắc họa trong bộ phim truyền hình Taxi Driver (2021) và Through the Darkness (2022).

Tuệ Anh (Theo Koreatimes, Koreaherald, Storm)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020