Tại thị xã Hồng Lĩnh, từ đêm 29 đến rạng sáng mùng 1 Tết Nhâm Dần (1/2), bên cạnh chơi pháo hoa không tiếng nổ do nhà máy Z121, Bộ Quốc phòng, sản xuất, nhiều người dân vẫn đốt pháo hoa, pháo bi trái phép tạo tiếng động lớn.
Đầu giờ tối 31/1, Công an thị xã Hồng Lĩnh đã cử cán bộ lái ôtô, xe máy đi tuần tại nhiều xã phường, bấm còi nhắc nhở. Tuy nhiên, người vi phạm chỉ tạm dừng đốt pháo, khi lực lượng chức năng đi khuất, họ lại đốt.
Pháo nổ trái phép tại thị xã Hồng Lĩnh sau đêm giao thừa. Ảnh: Đức Hùng
Trước cổng Bưu điện huyện và dọc tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện Hương Khê, pháo nổ rền vang sau giao thừa. Nhiều loại pháo được sử dụng có phát ra âm thanh giống pháo bi hay tầm bắn cao của pháo hoa.
Lãnh đạo Công an huyện Hương Khê cho biết, những trường hợp sử dụng pháo cấm trong đêm giao thừa đã bị ghi hình để xử lý.
Ở TP Hà Tĩnh, sau giao thừa, pháo hoa tầm thấp và tầm cao nổ tại xã Thạch Hạ, Hộ Độ, kéo dài hơn 10 phút. Xác pháo sau đó vương vãi đầy đường.
Lãnh đạo địa phương thừa nhận vẫn tồn tại hiện tượng trên, song giảm nhiều so với mọi năm. Việc người dân được sử dụng pháo hoa không tiếng nổ của nhà máy Z121 sản xuất phần nào gây khó khăn trong việc phát hiện, xử lý người đốt pháo nổ với người sử dụng các loại pháo được cơ quan chức năng cấp phép.
Công an huyện Nghi Xuân đi tuần bắt người đốt pháo trái phép trên địa bàn. Ảnh: Công an cung cấp
Tại huyện Nghi Xuân, gần 100 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ đi tuần tại 15 xã, 2 thị trấn trên địa bàn trước và sau giao thừa, bắt 3 người đốt pháo trái phép.
Đại tá Lê Khắc Thuyết, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, đã yêu các đơn vị rà soát, xử lý nghiêm những trường hợp đốt pháo trái phép trước và sau Tết.
Theo quy định từ 10/1/2021, người từ 18 tuổi trở lên được đốt các loại pháo hoa không phát ra tiếng nổ trong sinh nhật hoặc lễ tết, đám cưới, khai trương. Tại Việt Nam, nhà máy Z121 (Bộ Quốc Phòng) là đơn vị duy nhất được phép sản xuất và bán pháo hoa không tiếng nổ.
Người dân phải mua pháo hoa ở các cửa hàng của quân đội, nơi được phép mua bán loại này. Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào người dân cũng có thể mua pháo hoa không nổ để đốt, càng không được đốt lung tung ở ngoài đường, chỗ đông người. Nếu đốt không đúng dịp sinh nhật, không đúng dịp lễ tết... sẽ bị xử phạt như đốt pháo hoa nổ trái phép.
Năm 1994, trước tình trạng đốt pháo tràn lan làm nhiều người chết và bị thương, Thủ tướng ra chỉ thị từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Các tổ chức, cá nhân vi phạm ngoài việc tịch thu tang vật, tiêu hủy pháo và thuốc pháo còn bị phạt tiền.
Đức Hùng