Chuyên mục  


base64-1715167006746314832892.jpeg

Luật sư trong nước lợi thế hơn đồng nghiệp nước ngoài ở lĩnh vực tố tụng tại tòa án. Trong ảnh: Các luật sư tham gia phiên tòa Vạn Thịnh Phát kiểm tra an ninh trước khi vào phòng xử - Ảnh: HỮU HẠNH

Theo quy định tại điều 76 Luật Luật sư năm 2006, luật sư nước ngoài không được tư vấn pháp luật Việt Nam nếu không có bằng cử nhân luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một luật sư Việt Nam.

Chênh lệch về doanh thu

Tuy nhiên, theo một báo cáo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, do Luật Luật sư hiện hành chưa làm rõ khái niệm "tư vấn pháp luật Việt Nam" nên dẫn đến cách hiểu: Nếu những nội dung tư vấn đã được luật sư Việt Nam đủ điều kiện hành nghề chịu trách nhiệm thì luật sư nước ngoài có thể "giải thích lại" cho khách hàng những nội dung tư vấn đó. 

Báo cáo cho rằng cách hiểu như trên là không chính xác và cần được làm rõ.

Luật Luật sư quy định luật sư nước ngoài có nghĩa vụ tuân theo các nguyên tắc hành nghề theo quy định của pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

Tuy nhiên trong luật này không có quy định nào trao quyền cho tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư trong việc giám sát luật sư nước ngoài trong việc tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam trong quá trình họ hoạt động hành nghề luật sư ở Việt Nam.

Theo quy định, luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được tư vấn pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế, được thực hiện các dịch vụ pháp lý liên quan đến pháp luật nước ngoài, không được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước tòa án Việt Nam.

Có thể thấy, phạm vi hoạt động của luật sư nước ngoài tại Việt Nam là tương đối "hẹp" hơn luật sư trong nước. Nhưng có vẻ, luật sư trong nước đang có phần "lép vế" so với các đồng nghiệp nước ngoài.

Số liệu thống kê cho thấy năm 2022, riêng TP.HCM có 7.002 luật sư hoạt động tại 1.960 tổ chức hành nghề luật sư, doanh thu đạt 3.504 tỉ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ chỉ có 155 luật sư nước ngoài hoạt động tại 63 tổ chức hành nghề, nhưng doanh thu lên đến hơn 2.000 tỉ đồng.

Vấn đề hoạt động của luật sư nước ngoài mới đây được mang ra thảo luận tại hội thảo "Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư" do Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức tại TP.HCM.

base64-1715166994194751611734.jpeg

Luật sư Hà Hải cho rằng luật sư nước ngoài đang thống lĩnh thị trường pháp lý - Ảnh: ĐAN THUẦN

Tại hội thảo, luật sư Hà Hải - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng từ số liệu báo cáo về số lượng luật sư hoạt động và doanh thu, có thể thấy luật sư nước ngoài đang thống lĩnh thị trường pháp lý.

Theo ông Hải, trừ việc tham gia tố tụng, có những luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài vẫn đang âm thầm tư vấn pháp luật Việt Nam. Một số công ty luật "lách luật" bằng cách để cho luật sư Việt Nam tư vấn, nhưng ký hợp đồng là với công ty luật nước ngoài.

"Không chỉ xâm phạm quy định về nghề nghiệp luật sư mà còn ảnh hưởng đến việc phát triển của luật sư trong nước. Ví dụ như ở Singapore hay Mỹ, nếu luật sư muốn hoạt động phải gia nhập đoàn luật sư.

Tôi cho rằng đã đến lúc các luật sư nước ngoài phải bình đẳng như luật sư trong nước. Họ phải gia nhập đoàn luật sư hoặc là thành viên của liên đoàn luật sư, chứ không thể chỉ cần có chứng chỉ nghề nghiệp ở nước ngoài rồi xin Sở Tư pháp là được cấp giấy chứng nhận, để như vậy là không phù hợp", luật sư Hà Hải chia sẻ.

base64-1715167258526838404383.jpeg

Luật sư Trương Nhật Quang đề nghị tạo quyền ưu tiên cho luật sư trong nước được làm việc trong các dự án sử dụng vốn nhà nước - Ảnh: ĐAN THUẦN

Luật sư hành nghề ở Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ như luật sư Việt Nam

Luật sư Trương Nhật Quang - Đoàn luật sư TP Hà Nội - đề xuất khi xây dựng chính sách, có thể tạo quyền ưu tiên cho các tổ chức hành nghề luật Việt Nam được làm việc trong các dự án sử dụng vốn nhà nước, các dự án có tính chất quan trọng của đất nước.

Trong khi đó, luật sư Ngô Thanh Tùng - Đoàn luật sư TP.HCM - nói đây chính là cơ hội vàng để luật sư trong nước có cơ hội học hỏi, để từ đó xây dựng đội ngũ tốt hơn.

"Nếu chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật là tại sao luật sư chúng ta đông như vậy nhưng doanh thu không cao? Chúng ta không thể cấm họ (luật sư nước ngoài - PV) kiếm tiền, mà mình phải học kiếm tiền.

Tôi nghĩ các cơ quan quản lý cần nhìn vào sự thật này để đi tìm "chìa khóa" hỗ trợ các luật sư trong nước tiếp cận những chuẩn mực cao thì mới ngồi được với khách hàng có trình độ cao, và họ mới trả phí cho mình cao", luật sư Tùng nêu quan điểm.

Bà Đặng Kim Hoa - phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp - đề nghị các luật sư khi phát hiện đồng nghiệp nước ngoài tư vấn pháp luật Việt Nam thì thông tin cụ thể luật sư nào, bằng chứng chứng minh, cục sẽ trực tiếp kiểm tra, thanh tra và rút giấy phép khi phát hiện vi phạm.

"Đây là vấn đề về tổ chức thực hiện, còn chuyện đưa luật sư nước ngoài vào làm thành viên của đoàn luật sư thì cần cân nhắc và xem lại quy định của pháp luật nước ngoài, bản thân họ cũng đã tham gia đoàn luật sư ở nước ngoài rồi", bà Hoa nói.

Cũng theo bà Hoa, hiện nay trong Luật Luật sư, phần luật sư nước ngoài gần như bị tách biệt ra với phần luật sư Việt Nam. Sắp tới sẽ rà soát lại, buộc các luật sư hành nghề ở Việt Nam phải thực hiện một số nghĩa vụ như luật sư Việt Nam trên cơ sở thông lệ quốc tế.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020