Người Hà Nội nhường đường cho chiếc xe cấp cứu tại một nút giao dù đang trong lúc đèn đỏ - Ảnh: HỒNG QUANG
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, thời gian qua một số người dân thắc mắc về việc trường hợp lái xe không chấp hành tín hiệu đèn giao thông để nhường đường cho xe ưu tiên, xe cấp cứu có bị xử phạt theo nghị định 168?
Trong thông báo mới nhất, Bộ Công an khẳng định: "Việc không chấp hành tín hiệu đèn giao thông để nhường đường cho xe cấp cứu, xe ưu tiên trong trường hợp tình thế cấp thiết sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính".
Tuổi Trẻ Online ghi nhận thêm ý kiến bạn đọc về vấn đề này.
Nhường đường cho xe cứu thương thể hiện sự nhân văn
Chị Nguyễn Thị Bích Vân (29 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: "Từng có người nhà đi cấp cứu trên xe cứu thương nên tôi rất hiểu giá trị của sự sống, mỗi giây mỗi phút trôi qua đều trở nên quý giá hơn bao giờ hết.
Nếu bỏ lỡ qua thời gian vàng điều trị, hậu quả để lại cho người bệnh là rất lớn, di chứng có thể để lại mãi mãi về sau, thậm chí là tử vong.
Trong suốt quá trình di chuyển, gặp đèn đỏ tôi thấy nhiều người lái xe máy đã hỗ trợ nhiệt tình, nhắc nhau di chuyển nép vào một phía để nhường đường cho xe cấp cứu. Điều này thể hiện được ý thức khi tham gia giao thông, sự nhân văn trong mỗi người.
Tuy nhiên, cũng có những nơi do đường hẹp, muốn nhường đường xe ưu tiên bắt buộc phải leo lên lề hoặc dịch qua vạch đèn đỏ.
Cá nhân tôi thấy xe cứu thương là xe ưu tiên, việc nhường đường là hết sức cần thiết, vì không gì quan trọng hơn tính mạng người bệnh. Ngoài ra luật cũng đã quy định phải nhường đường cho xe ưu tiên khi làm nhiệm vụ khẩn cấp.
Về lâu dài cần ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông. Tại những khu vực đèn đỏ cần tăng cường đầu tư trang thiết bị như camera hoặc với những người điều khiển phương tiện giao thông có thể dừng xe dắt bộ qua vạch đèn đỏ, tránh phiền hà.
Làm sao để vừa cứu người vừa không phải vượt đèn đỏ?
Theo anh Minh Hùng - đội trưởng đội lái xe Trung tâm Cấp cứu 115 (TP.HCM) - với những loại bệnh như đột quỵ, tai nạn giao thông, nhồi máu cơ tim… thời gian cấp cứu cho người bệnh rất quan trọng.
Người bệnh sẽ được đưa đến cơ sở y tế gần nhất, nhưng vẫn có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào nếu kéo dài thời gian cấp cứu.
Mặc dù hiện nay trên xe cấp cứu có nhiều trang thiết bị hiện đại để sơ cứu cho người bệnh, thế nhưng việc tiếp cận và can thiệp y khoa sớm càng quan trọng hơn.
Với kinh nghiệm lái xe cấp cứu gần 10 năm, mặc dù đã cố gắng hết mình nhưng không ít lần vì đường sá đông đúc, tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời dẫn đến biến chứng nặng hoặc tử vong.
Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM hiện nay có 44 xe và tất cả đã được trang bị camera hành trình. Phần lớn những trường hợp cấp cứu hiện nay rơi vào giờ cao điểm, do vậy dễ gặp phải tình trạng kẹt xe.
Việc nhường đường cho xe cứu thương hiện nay cũng đã có quy định, nếu không nhường sẽ bị xử phạt hành chính. Theo đó, khi người dân thấy hoặc nghe thấy tiếng xe cứu thương từ xa cần chủ động di chuyển chậm nép vào bên lề.
Với trường hợp đèn đỏ có thể di chuyển ra hai nhánh trái hoặc phải, không nên vượt đèn đỏ. Ngoài ra, nhiều vị trí đèn đỏ cũng đã lắp đặt camera giúp việc nhường đường cho xe cứu thương không chỉ đảm bảo tính mạng người bệnh mà còn tuân thủ pháp luật.