Ngày 4/12, Công an Hà Nội cho biết đang tạm giữ Phạm Ngọc Tuấn (33 tuổi, trú huyện Đông Anh) cùng Ngô Văn Dương (30 tuổi) và Nguyễn Đức Thành (32 tuổi), Nguyễn Thế Trung và Nguyễn Thế Quân (cùng 30 tuổi) với cáo buộc Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.
Theo điều tra ban đầu, tháng 11, Phạm Ngọc Tuấn biết tin UBND huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn. Phạm Ngọc Tuấn nhờ Ngô Văn Dương mua giúp hồ sơ đấu giá do Công ty Thanh Xuân, một đơn vị phối hợp tổ chức cuộc đấu giá, phát hành.
Tuấn khai tính toán mỗi lô đất có giá ước tính 1,7-3,9 tỷ đồng tức từ 20 đến 32 triệu đồng/m2. Để chắc chắn trúng đấu giá các lô có vị trí ưng ý, Phạm Ngọc Tuấn bàn với Ngô Văn Dương, Nguyễn Thị Quỳnh Liên và Nguyễn Thế Trung và Nguyễn Thế Quân chốt phương án "nâng giá".
5 người bị tạm giữ. Ảnh: Công an Hà Nội
Theo kế hoạch vạch ra, nếu ở vòng thứ 4, người trả cao nhất vẫn ở dưới mức giá đã ghi trong bảng tính thì nhóm sẽ tham gia tiếp vòng 5 và 6. Tuy nhiên, mức giá không được cao quá so với giá do Phạm Ngọc Tuấn đã thẩm định.
Nếu vòng 4 có người trả vượt mức giá tối đa do Phạm Ngọc Tuấn đưa ra, những người còn lại sẽ đưa ra mức giá "cao chót vót" tại vòng thứ 5 và bỏ đấu giá vòng 6. Từ đây, việc đấu giá sẽ buộc phải dừng để tổ chức lại vào lần sau do không đấu giá đủ 6 vòng theo quy chế.
Khi đó nhóm sẽ không mất tiền đặt cọc và có cơ hội tiếp tục tham gia đấu giá để mua được lô đất như mong muốn.
Thực hiện kịch bản lũng đoạn này, Phạm Ngọc Tuấn khai đã nhận tiền của những người còn lại rồi chuyển khoản 3,6 tỷ đồng cho Công ty Thanh Xuân để đặt cọc đấu giá.
Ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Các lô đất diện tích 90-224 m2, giá khởi điểm 2,4 triệu đồng một m2, tiền đặt trước tương ứng 223-550 triệu đồng một lô (20% tổng giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm).
Theo quy chế, cuộc đấu giá tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc. Khách hàng trả cao nhất tại vòng 6 sẽ là người trúng đấu giá.
Vị trí khu đất được trả đấu giá 30 tỷ đồng một m2 ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, tháng 11/2024. Đồ họa:Gia Linh
Tại phiên đấu giá này, ban đầu nhóm đấu giá theo trình tự để hướng tới mức giá có thể mua được. Song khi phát hiện giá đấu của 36/58 lô đất vượt mức tối đa đã đặt ra theo kế hoạch. Vì thế, tại vòng thứ 5, nhóm đã đưa ra mức giá rất cao khi Phạm Ngọc Tuấn trả 30 tỷ đồng/m2, cao gấp 12.000 lần giá khởi điểm.
Ngô Văn Dương cũng trả 101,4 triệu đồng một m2 cho 13 thửa đất. Nguyễn Thế Quân, Nguyễn Thế Trung trả 98,4 triệu một m2 cho 10 thửa đất.
10 lô đất khác cũng được Nguyễn Thị Quỳnh Liên và ông Nguyễn Đức Thành trả giá lần lượt 50,4 triệu đồng một m2; 59,4 triệu một m2; 62,4 triệu một m2; 68,4 triệu một m2.
Đến vòng đấu cuối cùng - vòng 6, các khách hàng này không tiếp tục trả giá 36 thửa đất trên nữa. Điều này khiến việc 36 lô đất đấu giá không thành công, đúng như toan tính của cả nhóm, cơ quan điều tra cáo buộc.
Bên trong hội trường buổi đấu giá hôm 29/11 ở huyện Sóc Sơn. Ảnh: Hoàng Phong
Trả lời VnExpress sau phiên đấu giá hôm 29/11, Phạm Ngọc Tuấn từng nói "tham gia đấu giá vì có nhu cầu thật", làm theo "theo ý chí của bản thân, không cần biết mức đó là cao hay thấp"; tuy nhiên "không nghĩ cuộc chơi lại khốc liệt đến như vậy".
Phạm Dự