Chuyên mục  


Ngày 8/11, họ tập trung trước trụ sở công ty trên đường 29 Tháng 3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Đa số đeo khẩu trang kín mặt, lộ ánh mắt lo lắng khi đây là lần thứ 3 không thể gặp ông Nguyễn Đăng Hoàng, 36 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty GFDI.

"Hôm qua nhân viên công ty gửi tin nhắn qua Zalo, cho biết 15h chiều nay ông Hoàng sẽ trả lời về việc trả lại tiền chúng tôi đã gửi", chị Thu, quê Đăk Lăk, cho biết.

Hàng trăm nhà đầu tư chờ bên ngoài khi công an khám xét trụ sở chính Công ty GFDI, chiều 8/11. Ảnh: Nguyễn Đông

GFDI được thành lập vào tháng 5/2018, do ông Hoàng đại diện pháp luật đồng thời là Chủ tịch HĐQT thành viên, chủ sở hữu công ty. Doanh nghiệp hoạt động trong 6 lĩnh vực: quản lý vốn; F&B; sản xuất hàng tiêu dùng thương mại; G-Media; kinh doanh và phân phối bất động sản; thể thao điện tử. Vốn điều lệ doanh nghiệp hiện là 80 tỷ đồng, có nhiều chi nhánh.

Từ khi thành lập đến nay, Nguyễn Quang Hoàng xây dựng mô hình kinh doanh của công ty theo hướng vay tiền của người dân bằng hình thức ký kết hợp đồng vay tài sản. Lãi suất công ty này trả cho khách hàng góp vốn lên đến 5%/tháng (thời điểm 2020), kỳ hạn 3, 6 hoặc 9 tháng. Ban đầu công ty quy định khoản góp tối thiểu là 5.000 USD hoặc 120 triệu đồng, sau tăng lên 150 triệu đồng.

Các khoản góp vốn ban đầu được công ty trả lãi đầy đủ, đúng hạn nên nhiều người tin tưởng, rủ người thân cùng tham gia.

Ngày 2/11, Công ty GFDI ra thông báo về chương trình ưu đãi (kéo dài đến ngày 5/11) với hợp đồng trị giá các mức dưới 500 triệu đồng, từ 500 triệu đến một tỷ, trên một tỷ. Khách hàng sẽ được tặng quà bằng tiền mặt lần lượt bằng 0,5%, 1% và 1,5% giá trị hợp đồng. Nhiều người thấy lợi nhuận cao đã dốc tiền gửi vào.

Tuy nhiên, đến ngày 5/11, mạng xã hội lan truyền thông báo của Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI về việc tạm ngừng giao dịch trên toàn hệ thống, kèm tâm thư của ông Nguyễn Quang Hoàng, cho biết thời gian tới công ty sẽ chậm chi trả cho một số hợp đồng đầu tư của khách hàng.

Ngay hôm sau, nhiều khách hàng đã kéo đến trụ sở công ty đòi lại tiền nhưng không được giải quyết, gọi điện nhưng ông Hoàng không nghe máy. Công an phường Hòa Xuân phải đến vãn hồi trật tự khi số lượng người kéo đến ngày một đông.

Công an thu giữ hàng chục thùng giấy chứa tài liệu tại trụ sở chính Công ty GFDI, chiều 8/11. Ảnh: Nguyễn Đông

Chị Thu kể, vì tin tưởng giám đốc chi nhánh Công ty GFDI ở Đăk Lăk cùng sinh hoạt trong nhóm doanh nhân tỉnh, nên nghe theo lời mời. Từ tháng 6, chị bắt đầu góp vốn với 3 hợp đồng, tổng cộng 1,2 tỷ đồng. Lúc này tiền lãi đã giảm so với trước, còn 2,5%/tháng. Từ đó đến nay chị mới nhận được hơn 30 triệu đồng lãi cho khoản góp vốn 200 triệu đồng, còn lại một tỷ đồng gửi sau chưa nhận lãi.

Theo chị Thu, tại Đăk Lăk có hàng trăm người đã tham gia góp vốn. Vừa qua nhiều người đáo hạn rút tiền về buôn sầu riêng, hiện còn khoảng 80 nạn nhân. Trước thông tin lan truyền trên mạng, tối qua, chị một mình lái xe từ Buôn Mê Thuột xuống Đà Nẵng, không thiết ăn uống, chỉ chờ gặp lãnh đạo Công ty GFDI để nghe trả lời về khoản tiền mình đã gửi, đáo hạn ngày 4/11.

Lọt thỏm trong đám đông người đến đòi tiền, người phụ nữ hơn 60 tuổi ngụ Đà Nẵng cho biết đã góp vốn hơn 5 tỷ đồng vào công ty này trong nhiều năm qua, giờ có nguy cơ trắng tay. "Tiền tích góp bao năm nay, tôi giấu con cái để góp vốn vào đây. Giờ tôi không dám nói với các con, sợ bị la mắng", bà nói, giọng đầy lo lắng.

Trong khi đó, một thanh niên kể mẹ mình đã mang sổ đỏ của gia đình đi cầm cố để góp tiền vào Công ty GFDI. "Tôi cố ngăn mẹ nhưng bà không nghe vì ham công ty trả lãi suất cao. Giờ tiền không biết có đòi lại được không, mẹ tôi đang suy sụp lắm", anh nói.

Chị Loan, 35 tuổi, cho rằng không hẳn vì ham lãi suất cao mà gửi tiền vào Công ty GFDI. Mà sau dịch Covid-19, công việc của chị bị ảnh hưởng, thu nhập giảm sút. "Tôi gửi gần một tỷ đồng góp vốn. Mỗi lần đáo hạn cũng được một khoản chi tiêu trong gia đình, tiền dư thì lại gom để ký hợp đồng mới. Giờ tôi chỉ mong lấy lại được gốc", chị nói.

Hàng trăm người đứng chờ đến tối, hy vọng được đối thoại với Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Hoàng. Ảnh: Nguyễn Đông

Ngoài ra, trong số những người gửi tiền vào Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI tại Đà Nẵng có rất nhiều nhân viên của doanh nghiệp này.

Một nữ nhân viên cho biết, công ty trả lương học việc 3 triệu đồng/tháng, giao KPI tháng đầu phải huy động tiền góp vốn 150 triệu đồng, tháng thứ hai tăng lên 450 triệu đồng và các tháng sau tiếp tục cộng dồn tiền lên. Vì áp lực phải đạt chỉ tiêu để được nhận hoa hồng, chị và nhiều đồng nghiệp đã mời người thân trong gia đình, bạn bè cùng tham gia.

Hiện, trên Facebook, Zalo xuất hiện nhiều hội nhóm "tố cáo GFDI", với hàng nghìn thành viên trên cả nước. Trong đó, một người cho biết đã huy động gia đình, người thân, bạn bè góp vốn lên đến 130 tỷ đồng. Cũng trong các hội nhóm này đang lan truyền thông tin có nạn nhân vì mất cả gia tài, lâm cảnh nợ nần nên nghĩ quẩn.

Công an dẫn ông Nguyễn Quang Hoàng rời khỏi trụ sở chính, tối 8/11. Ảnh: Nguyễn Đông

Điều tra công ty mất khả năng chi trả 3.700 tỷ đồng cho 7.541 khách hàng

Khoảng 11h30 trưa nay, Công an TP Đà Nẵng đưa ông Nguyễn Quang Hoàng về trụ sở chính của công ty trên đường 29 Tháng 3, thực hiện việc khám xét kéo dài suốt 7 tiếng. Cùng lúc, cảnh sát cũng khám xét tại nhà riêng của Hoàng và Sở giao dịch của công ty ở quận Hải Châu. Tổng cộng, cơ quan điều tra thu giữ hơn 20 thùng carton tài liệu.

Theo điều tra ban đầu, từ tháng 11/2023 Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI tại Đà Nẵng thua lỗ, mất khả năng tài chính. Để duy trì hoạt động, Hoàng đã tổ chức, chỉ đạo nhân viên ký hợp đồng vay tiền của hàng nghìn người, sử dụng tiền vay của người sau trả cho người trước.

Đến đầu tháng 11, công ty mất khả năng chi trả cho 7.541 khách hàng với tổng số tiền dư nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra đang làm rõ sự việc.

Nguyễn Đông

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020