Bà Daisy Harris khoảng 80 tuổi, thích chim chóc, có con mèo tên Fluffy, thích đan lát và đặc biệt chẳng hiểu gì về Internet. Bà do AI tạo ra, được công ty điện thoại lớn của Anh O2 công bố hôm 14/11, như một phần trong nỗ lực hạn chế những kẻ lừa đảo qua điện thoại.
Bà không đe dọa, thao túng hay bất kỳ cách nào để thực sự ngăn chặn chúng. Nhưng khi một kẻ lừa đảo không may gọi đến số của bà, Daisy có khả năng lãng phí vô số thời gian của chúng và làm "phát điên" với những cuộc trò chuyện lẩm cẩm dài vô tận.
"Nói chuyện thêm xíu đi, tôi có cả ngày để tán gẫu với cháu mà", sẽ là câu bà thường nói, trước khi kẻ lừa đảo ở đầu dây bên kia vừa bực tức văng tục rồi gác máy, bỏ hẳn ý định mồi chài lôi kéo.
Công ty O2 đã tạo ra "bà lão AI" giống con người để trả lời các cuộc gọi theo thời gian thực từ những kẻ lừa đảo mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào từ người sáng tạo ra mình, giữ những kẻ lừa đảo trên điện thoại càng lâu càng tốt.
Bà sẽ đánh giá kẻ lừa đảo dựa trên giọng nói, để nhận ra giới tính, xuất xứ chủng tộc... và gợi ra những chủ đề trò chuyện phù hợp. Bà cũng sẽ dùng giọng nói dề dà cố ý của mình, kể về những "sở thích tuổi già" cho đầu dây bên kia nghe khiến họ cực kỳ mất kiên nhẫn và cung cấp cho chúng thông tin cá nhân sai lệch, tài khoản ngân hàng bịa đặt...
Bà lão AI còn chơi khăm kẻ lừa đảo bằng cách vờ làm theo mọi yêu cầu của chúng, rồi đến khi tưởng như đã sắp chuyển tiền cho chúng, bà sẽ thốt lên: "Ôi cháu yêu, bà vừa bấm nhầm cái gì đó, cháu hướng dẫn bà làm lại từ đầu nhé". Ban đầu kẻ lừa đảo cắn câu, kiên nhẫn hướng dẫn, nhưng khi bị đến lần thứ 3, chúng sẽ phát điên lên và dập máy.
Nghiên cứu năm 2024 từ công ty O2 cho thấy 71% người Anh muốn trả thù những kẻ lừa đảo qua điện thoại đã lừa họ hoặc những người thân của họ. Tuy nhiên, họ cũng không có thời gian rảnh dỗi để ngồi chọc tức những kẻ này. O2 cho biết, đó chính là lý do họ tạo ra "bà lão AI" Daisy.
Theo Báo cáo về mối đe dọa cuộc gọi toàn cầu do Hiya, công ty hàng đầu về bảo mật giọng nói công bố hồi tháng 8/2023, riêng 6 tháng đầu năm, có khoảng 6,5 tỷ cuộc gọi lừa đảo được thực hiện trên toàn thế giới, tức trung bình 70 triệu cuộc mỗi ngày, trong đó tuần đầu tháng 4 ghi nhận tới 550 triệu cuộc.
Các cuộc gọi lừa đảo phổ biến bao gồm mạo danh thành viên gia đình, quan chức chính phủ, người giao hàng, cơ quan thuế và Hải quan.
Ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ cuộc gọi rác cao nhất là ở Indonesia và Hong Kong, lên tới hơn 50% tổng các cuộc gọi.
Đánh giá về Gian lận tài chính toàn cầu của Interpol công bố hồi tháng 3 thể hiện, năm 2023, những kẻ lừa đảo đã đánh cắp hơn 1.000 tỷ USD từ các nạn nhân trên toàn thế giới. Nguyên nhân chủ yếu do nạn nhân vô tình cung cấp thông tin chi tiết về ngân hàng, mật khẩu hoặc thông tin cá nhân khác.
Người lớn tuổi vẫn bị coi là "con mồi" dễ dàng nhất. Ở Anh, 40% những người trên 75 tuổi cho biết họ nhận được các cuộc gọi lừa đảo ít nhất là hàng tháng, nếu không muốn nói là hàng ngày.
Các nhà phát triển tại O2 cho biết, họ đã phát minh ra Daisy, dựa trên cảm hứng từ chính bà của họ. Thay vì sử dụng diễn viên lồng tiếng để đào tạo Daisy, nhóm đã chọn sử dụng một trong những bà của đồng nghiệp, người đã đến uống trà và ghi lại nhiều giờ hội thoại.
Elisabeth Carter, phó giáo sư ngành tội phạm học và nhà ngôn ngữ học pháp y tại Đại học Kingston London, cho biết: "Mặc dù Daisy làm gián đoạn hoạt động lừa đảo nhưng không ngăn chặn gian lận nói chung".
Bà khuyên không nên cố gắng làm theo Daisy trong việc chơi khăm những kẻ lừa đảo. "Điều tốt nhất nên làm nếu bạn nhận được cuộc gọi từ kẻ lừa đảo là không tham gia, cúp máy và báo cáo nhà chức trách", Elisabeth Carter nói.
Hải thư (Theo Business Wire, NYT, World Ecocnomic Forum)