Chuyên mục  


Thông tin được nêu trong dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp ngân sách Nhà nước do Bộ Công an vừa trình Chính phủ ban hành.

Theo Bộ Công an, tiền hỗ trợ người cấp tin vi phạm giao thông là mức chi "rất quan trọng" mà các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng. Tại Việt Nam, lực lượng cảnh sát giao thông sử dụng phần mềm để nhận thông tin của người dân làm căn cứ xử phạt. Nếu áp dụng chính sách này, mỗi người dân sẽ là một mắt xích hỗ trợ cảnh sát giao thông đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Bộ Công an cho biết thêm, việc thanh toán chi phí hỗ trợ "mua" tin phải có đầy đủ chứng từ theo quy định. Trường hợp cần giữ bí mật tên người cung cấp, việc thanh toán chi phí mua căn cứ vào phiếu chi với đầy đủ chữ ký của người trực tiếp chi tiền, thủ quỹ, kế toán.

Cảnh sát giao thông tuần tra, xử lý người vi phạm ở Hà Nội. Ảnh: Gia Chính

Tại dự thảo nghị định này, Bộ Công an đề xuất xây dựng dự toán tương ứng với 85% số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, giao thông đường bộ và 30% tiền thu từ đấu giá biển số xe.

15% số tiền thu từ xử phạt vi phạm về trật tự, giao thông đường bộ của năm trước được lập dự toán cho UBND các tỉnh, thành. 15% này do Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí.

Với 85% trích lại từ xử phạt vi phạm giao thông và 30% từ đấu giá biển số, Bộ Công an dự kiến chi cho mua sắm, nâng cấp phương tiện phục vụ bảo đảm an toàn giao thông; xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; thuê nhà, phương tiện; mua xăng dầu; phục vụ điều tra giải quyết tai nạn giao thông; vận hành đường dây nóng; khen thưởng, ứng dụng công nghệ; bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ, sơ kết, tổng kết...

Trong đó, Bộ Công an đề xuất bồi dưỡng cho chiến sĩ trực tiếp tham gia giữ gìn an toàn giao thông ban đêm không quá 200.000 đồng/người/ca, tối đa 10 ca một tháng. Các lực lượng khác ở địa phương trực tiếp tham gia bảo đảm an toàn giao thông được bồi dưỡng không quá 100.000 đồng/người/ngày; với ca đêm được bồi dưỡng không quá 200.000 đồng/người/ca và tối đa 10 ca một tháng.

Với 15% trích lại, các địa phương dự kiến dùng để chi cho thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông, gia đình người bị chết trong các vụ đặc biệt nghiêm trọng, nạn nhân bị thương nặng; khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; bồi dưỡng tiền làm ban đêm, thêm giờ cho các lực lượng bảo đảm an toàn giao thông; giải quyết ùn tắc giao thông, khắc phục hậu quả tai nạn, cứu hộ, cứu nạn...

Bộ Công an - đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định, cho biết từ năm 2022 trở về trước, Bộ Công an được bố trí kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về giao thông từ 70 đến 79%. Lần gần nhất là năm 2023, Bộ Công an được trích lại 79%. Năm 2024, Bộ Công an được giao dự toán 85% số tiền xử phạt giao thông.

Ngành công an cho rằng hiện nay chưa có văn bản "đầy đủ, rõ ràng, toàn diện" về việc quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe. Bởi thế đã gây nhiều khó khăn cho thực tiễn, trong khi Bộ Công an đang tập trung nguồn lực để hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cảnh sát giao thông nhưng kinh phí chi thường xuyên, chi đầu tư lại rất hạn chế.

Hơn nữa, mức chi bồi dưỡng ca đêm cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn thấp, không phù hợp tình hình thực tế để bù đắp sức khỏe phục vụ lực lượng này.

Phạm Dự

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020