Chuyên mục  


Trưa 26/11, sau hơn 20 ngày làm việc, phiên tòa xem xét kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và 47 người về các sai phạm xảy ra tại SCB kết thúc phần tranh luận. Các bị cáo nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án.

Là người đầu tiên trình bày, bà Lan khẩn cầu tòa phúc thẩm xem xét những vấn đề đã nêu trong quá trình tranh luận - xem xét lại số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt, tội danh và giảm nhẹ hình phạt.

"Vì vụ án này mà bao nhiêu ước mơ, hy vọng, sức khỏe của bị cáo và cả mấy chục anh em ngồi đây bị ảnh hưởng. Đó là điều kinh khủng nhất đối với bị cáo", bà Lan nói, thêm rằng bản thân đã "hy sinh tất cả cho một nơi gọi là nhà của mình", thậm chí 2 con gái của bà đến ngày hôm nay vẫn chưa một ngày được ngủ với mẹ, vì vừa sinh ra bà đã giao cho bà vú nuôi.

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Quỳnh Trần

Chủ tịch Vạn Thịnh Phát phân trần, suốt bao nhiêu năm qua luôn dốc sức cho việc kinh doanh với một mục tiêu muốn đất nước sánh vai với bạn bè năm châu, nên luôn đi tìm mọi nguồn lực để phát triển kinh tế. Kể cả chồng của bà - ông Chu Lập Cơ, cũng đã cố gắng xây dựng những công trình 5 sao, 6 sao tại Việt Nam.

Theo bà Lan, trong vụ án này vẫn còn nhiều điều chưa thể nói hết "nỗi oan", bà "vừa là bị cáo vừa là bị hại". Tuy nhiên, ngay cả khi đối diện trước bản án tử hình bà cũng chỉ mong bằng mọi cách sớm trả được nợ cho Ngân hàng Nhà nước. Bà xin HĐXX cho cơ chế đặc thù để giải quyết, xử lý khối tài sản để trả hết nợ cho Ngân hàng Nhà nước, cho người dân. Sau khi trả nợ xong, các tài sản bà đưa vào cơ cấu sẽ được đưa vào quỹ từ thiện để xây dựng bệnh viện, trường học hoặc nhà ở xã hội giúp người nghèo. Đây là dự định ấp ủ của bà bao nhiêu năm chưa thực hiện được.

"Bị cáo cũng không biết làm sao khi các nhà đầu tư họ vào mà không có bị cáo. Nếu như khó quá thì bị cáo đã ở tuổi này rồi, cách nhanh nhất coi như là thanh lý SCB, bán tài sản trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước, trả cho người dân. Coi như bao nhiêu tâm huyết của bị cáo, tài sản của bị cáo mất hết", bà Lan nói.

Chủ tịch Vạn Thịnh Phát xin HĐXX vừa giảm nhẹ hình phạt, vừa xem lại tội danh. "Tham ô tài sản nghe kinh khủng lắm. Bị cáo thấy xấu hổ nếu bị buộc tội này", bà Lan phân trần.

Tiếp đó, bà xin tòa xem xét giảm nhẹ cho chồng, cháu gái Trương Huệ Vân và các bị cáo khác trong vụ án, bởi mức án sơ thẩm đối với các bị cáo là "quá nặng".

Bị cáo Trương Huệ Vân. Ảnh: Quỳnh Trần

'SCB từ chối cung cấp số liệu là có ý gì?'

Trước đó, trình bày tranh luận bổ sung trong hơn một tiếng rưỡi, bà Lan khẩn thiết xin VKS và HĐXX xem lại số tiền thiệt hại trong vụ án. Bà cho biết "thấy rất buồn vì không hiểu lý do SCB từ chối không cung cấp tài liệu cho VKS" làm rõ số tiền bà rút ra để sử dụng cho việc đảo nợ, tiền sử dụng vào mục đích riêng.

Trong phần bào chữa hôm 18/11, bà Lan và các luật sư cho biết vừa được tiếp cận tài liệu mới, phát hiện 125.000 tỷ đồng (trong tổng số 677.000 tỷ đồng bà Lan bị cáo buộc chiếm đoạt) là đã cho vay từ thời SCB (cũ) - trước khi bà Lan tái cơ cấu SCB. Đại diện VKS đề nghị SCB cung cấp một số tài liệu nhằm làm rõ các vấn đề: trước khi 3 ngân hàng hợp nhất thì nợ cũ là bao nhiêu; số nợ tại SCB tính đến ngày 31/12/2017 là bao nhiêu; số nợ từ năm 2017 mang sang giai đoạn 2018 là bao nhiêu và trong tổng số dư nợ từ ngày 1/1/2018 đến ngày khởi tố vụ án 7/10/2022 có bao nhiêu khoản vay dùng để đảo nợ, bà Lan rút ra bao nhiêu...

Đại diện SCB lúc đó đã đồng ý với yêu cầu của VKS. Tuy nhiên, trong buổi làm việc chiều 21/11, luật sư bảo vệ quyền lợi cho SCB từ chối cung cấp với lý do "đã cung cấp cho cơ quan điều tra, VKS trong quá trình điều tra" và đã được ghi nhận trong hồ sơ vụ án. Hiện, các bị cáo kháng cáo liên quan đến quyền lợi của mình thì sử dụng tài liệu trong hồ sơ.

Về động thái này của SCB, bà Lan nói: "Gốc rễ của vấn đề là ngay từ đầu SCB đã cung cấp số liệu mập mờ, nhập nhằng, không rõ ràng cho cơ quan điều tra dẫn đến số liệu quy buộc trách nhiệm của bị cáo hiện nay còn đang mập mờ. Thế nhưng đến phiên tòa hôm nay, khi được yêu cầu làm rõ thì SBC lại không cung cấp.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát viện dẫn lời của VKS đã nói trong phần tranh luận về việc SCB không cung cấp tài liệu, rằng "bị hại (SCB) đưa ra chứng cứ để yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường cho mình thì bên gây thiệt hại cũng có quyền yêu cầu bên bị thiệt hại chứng minh thiệt hại của mình". "SCB từ chối cung cấp số liệu là có ý gì? Khi nó có ý nghĩa quan trọng, liên quan đến hàng chục anh em đã từng làm việc cho SCB đang bị xét xử ở đây?", bà Lan đặt vấn đề, giọng mất bình tĩnh.

Bào chữa bổ sung cho bà, các luật sư cho rằng cảm thấy hụt hẫng vì không được VKS tranh luận về những tình tiết mới phát sinh liên quan đến những bất thường trong số tiền cáo buộc bà chiếm đoạt.

Bị cáo Dương Tấn Trước - người được bà Lan "thưởng" 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Quỳnh Trần

Quá trình xét xử phúc thẩm, bà Lan bị VKSND Cấp cao tại TP HCM xác định số tiền chiếm đoạt và tội danh như bản án sơ thẩm, tiếp tục đề nghị HĐXX tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản. Lý do là, hậu quả vụ án đặc biệt lớn, chưa từng có từ trước đến nay, chưa biết khi nào mới khắc phục được. Từ đó VKS giữ nguyên quan điểm các tình tiết giảm nhẹ của bà Lan "chưa đáp ứng đủ điều kiện để giảm án tử hình" theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Hình sự.

Hôm 15/11, trong lần đầu đưa ra quan điểm giải quyết đơn kháng cáo của bà Lan, VKS ghi nhận thêm tình tiết thành khẩn khai báo, cam kết khắc phục toàn bộ thiệt hại... đề nghị HĐXX giảm nhẹ từ 20 năm xuống 16-18 năm tù về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Chiều nay phiên tòa tiếp tục với phần nói lời sau cùng của các bị cáo khác.

Hải Duyên

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020