Hơn 1 triệu người nhiễm Covid-19, hơn 23.000 đồng bào đã bị cướp đi sinh mệnh vì Covid-19, 2.600 trẻ em lâm vào cảnh mồ côi, nhiều em còn quá nhỏ.
20h ngày 19/11/2021, một đêm rằm đặc biệt, Lễ tưởng niệm những người Việt đã mất vì Covid-19 diễn ra ở 2 đầu cầu Hà Nội, TP.HCM.
Hơn 3.000 đèn hoa đăng được thả xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ chùa Pháp Hoa (Q.3, TP.HCM) để tưởng niệm hơn 2 vạn đồng bào đã mất vì Covid-19
20h30, các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) cùng đánh chuông tưởng niệm.
Người dân nhiều nơi trên cả nước tắt đèn, thắp nến và thả hoa đăng, thắp nén tâm hương tưởng niệm đồng bào mình đã mất vì Covid-19.
Từ những con số đau thương tới Lễ tưởng niệm lịch sử: Lời nhắc nhở cho những người ở lại
29 Tết năm trước, ngày 23/1/2020, trước thềm năm mới, một “cuộc chiến” mới với Covid-19 tại Việt Nam chính thức bắt đầu. Lúc này 2 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được công bố đến từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Đầu tháng 2/2020, Việt Nam chính thức công bố đại dịch và quyết định thắt chặt biên giới, thu hồi giấy phép hàng không và hạn chế thị thực.
Từ 0h ngày 1/4/2021, Việt Nam thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày, đồng thời công bố dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước.
Người ta tắt đèn, thắp nến để tưởng niệm người đã mất, nhưng có một ngọn lửa khác rực sáng lên trong tim mỗi người (Ảnh: Gia Đoàn)
Cả nước hiện đã trải qua 4 đợt dịch Covid-19. Tính đến tối 18/11, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 23.476 người. Riêng TP.HCM có tới 17.305 nạn nhân tử vong, chiếm hơn 73%. Trên cả nước, 2.532 trẻ em bị mồ côi, trong đó có 81 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Hầu hết những người mất trong đại dịch đã ra đi trong sự đau đớn, xa cách người thân. Vì dịch bệnh nên việc mai táng cũng không thể diễn ra được như thông thường.
20h ngày 19/11/2021, một ngày rằm lịch sử Việt Nam tổ chức buổi lễ tưởng niệm đồng bào đã mấttrong đại dịch Covid-19, tại điểm cầu TP.HCM và Thủ đô Hà Nội. Người dân nhiều nơi trên cả nước tắt đèn, thắp nến và thả hoa đăng để tưởng niệm hơn 23.000 đồng bào đã bị cướp đi sinh mệnh vì COVID-19. Lễ tưởng niệm đúng với truyền thống và đạo lý của người Việt "người trong một nước phải thương nhau cùng".
Tưởng nhớ người đã khuất cũng là việc nhắc nhở người đang sống tuyệt đối không được lơ là việc phòng chống dịch Covid-19. Cả nước đồng lòng, quyết tâm hơn trong công cuộc chống đại dịch cam go và ác liệt.
Nỗi đau của "người trong cuộc"
Anh Nguyễn Văn Trọng, 37 tuổi và con gái 5 tuổi ở huyện Thanh Trì, vợ anh mất vì covid-19 trong khi đang mang thai tháng thứ 5. Anh Trọng đến giờ vẫn chưa muốn tin vợ và đứa con chưa kịp chào đời đã ra đi mãi mãi. Anh không mong có thêm ai phải chịu nỗi đau như gia đình mình.
Anh Võ Đăng Thành (49 tuổi), nhà tại phường Văn Miếu, quận Đống Đa, là người trong 1 gia đình có 10 người thì 9 người mắc Covid-19. Mẹ anh Thành bị tiểu đường, sau 48 ngày điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã không qua khỏi. Nỗi đau mẹ ra đi khi con cái không có ai ở bên cạnh khiến nỗi đau trong anh chưa hề nguôi ngoai. 36 ngày trôi qua từ ngày mẹ mất nhưng anh thú nhận "không thể làm quen với cuộc sống không có mẹ, còn quá nhiều điều tôi chưa làm được cho mẹ".
Có những cái nhói đau nhưng còn đau hơn cả những giọt nước mắt (Ảnh: Gia Đoàn)
TP.HCM nơi có hơn 17.000 mất vì là nạn nhân của đại dịch Covid-19. Nhiều gia đình có 2-3 người tử vong, có người mất cả cha mẹ và những người ruột thịt.
Nhiều em bé sinh ra không được uống giọt sữa nào từ mẹ, một vòng tay ôm của mẹ cũng là điều không thể. Đau xót là điều có thật, đau thương là điều quá rõ, mất mát là quá lớn. Covid-19 đã lạnh lùng tàn phá hạnh phúc của biết bao gia đình theo cách không mấy ai có thể ngờ.
Vợ chồng mất nhau, cha mẹ mất con, cháu mất ông bà, con mất cha mẹ... vì đại dịch "quét" qua tàn nhẫn. Hàng ngàn người già yếu không còn nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ em mất cha mẹ.
Những chiếc khăn tang chít trên đầu mà không có lời chào, lời ly biệt cuối, 1 cuộc ra đi tưởng chỉ là tạm biệt mà không báo trước trở thành vĩnh biệt, một cuộc biệt ly... mãi mãi. Nhiều em nhỏ thơ dại đến mức chưa hiểu nỗi mất mát của chính mình, chỉ có người lớn nhìn thấy là nhói lòng. Cái nhói đau còn đau hơn cả những giọt nước mắt.
Đêm tưởng nhớ như một lời nhắc nhở với người ở lại (Ảnh: Gia Đoàn)
Trong cuộc chiến chung sức vì cộng đồng, hàng ngàn thầy thuốc, cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên, các nhà thiện nguyện, cán bộ cơ sở… trong cuộc chiến với dịch bệnh trở thành F0. Trong đó, hàng trăm người đã hy sinh, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng đội, đồng chí và gia đình.
Nhiều người nhắm mắt ra đi khi không có bất kỳ người thân nào ở bên cạnh, không một lời trăng trối. Những cái chết đến theo cách chưa từng, những lễ mai táng diễn ra không thể như thông thường.
Vì thế, Lễ tưởng niệm của đêm rằm đặc biệt này là phút mặc niệm dành cho người đã mất vì Covid-19, là sự cảm thông và sẻ chia cùng cái ôm vô hình tới người ở lại.
Nhưng...
Dịch bệnh đã làm cho đau thương, mất mát là có thật, song có những thứ mãi mãi dịch bệnh không thể lấy được của chúng ta.
Đêm rằm đặc biệt nhất, đèn tắt nhưng rực sáng bởi 2 chữ đồng bào
Cùng nhìn lại từ khi dịch bệnh xuất hiện thì đâu chỉ có những con số thương vong.
Có bao nhiêu câu chuyện, nghĩa cử cao đẹp đã được nhóm lên trong đại dịch. Hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã khắc phục mọi khó khăn, bất chấp nguy hiểm, xông pha vào tâm dịch dành hết tâm lực để chăm sóc, chữa trị người bệnh như người thân yêu, ruột thịt của mình.
Có lẽ rất lâu về sau này người ta sẽ nhớ mãi về đêm rằm lịch sử thời Covid-19, đêm của những con số mất mát, nhưng còn lại 2 chữ... đồng bào! (Ảnh: Gia Đoàn)
Cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước đều đã đoàn kết một lòng, chung một ý chí “chống dịch như chống giặc”.
Trong khó khăn và khi hoạn nạn, nhiều nghĩa cử cao đẹp thấm đẫm 2 chữ đồng bào đã khiến người ta rơi nước mắt vì xúc động. ATM gạo, ATM ô xy, “chợ 0 đồng”, “siêu thị 0 đồng”, “suất ăn miễn phí”, những người dù vẫn phải lo cuộc sống hàng ngày nhưng đến tận hang cùng ngõ hẻm để nhường cơm xẻ áo cho người vô gia cư...
Hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng ngàn tấn trang thiết bị y tế của đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã được vận chuyển vào vùng dịch, chia sẻ khó khăn với vùng tâm dịch Bắc Giang, TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Khi thắp nén tâm hương để tưởng nhớ, tiễn biệt đồng bào đã mất trong đại dịch COVID-19, cũng là lúc chúng ta biết rõ điều gì còn lại.
Đại dịch đã để lại quá nhiều mất mát cho người ở lại, nhưng có những thứ dịch bệnh không bao giờ có thể lấy được của chúng ta... là hai chữ đồng bào.
Xin nguyện cầu cho những người ra đi sẽ yên giấc ngàn thu, còn chúng ta những người ở lại sẽ tiếp tục chiến đấu bằng tinh thần đoàn kết dân tộc, biến đau thương thành hành động, chung sức đồng lòng để cùng vượt qua những khó khăn để chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh.
Hôm nay, đêm rằm này, người ta tắt đèn, thắp nến để tưởng niệm người đã mất, nhưng có một ngọn lửa khác đang rực sáng lên trong tim mỗi người.
Có lẽ rất lâu về sau này người ta sẽ nhớ mãi về đêm rằm lịch sử thời Covid-19, đêm của những con số mất mát, nhưng vẹn nguyên còn lại 2 chữ... đồng bào!
Cả nước hiện đã trải qua 4 đợt dịch Covid-19. Tính đến tối 18/11, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 23.476 người. Riêng TP.HCM có tới 17.305 nạn nhân tử vong, chiếm hơn 73%. Trên cả nước, 2.532 trẻ em bị mồ côi, trong đó có 81 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ.