Trái Đất vừa trải qua tháng 5 nóng nhất lịch sử, cho thấy tình trạng biến đổi khí hậu vẫn đang diễn ra nhanh chóng. Theo chiều hướng này, 2020 nhiều khả năng sẽ lọt Top 10 năm có nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận - theo Dịch vụ theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (tổ chức phi chính phủ được Liên minh châu Âu hỗ trợ) thông báo vào hôm nay, ngày 5/6.
"Chúng ta vừa trải qua tháng 5 nóng kinh khủng trên toàn cầu. Và không nghi ngờ gì nữa, đây là một hồi chuông báo động" - theo nhà khoa học Freja Vamborg từ dịch vụ Copernicus chia sẻ.
"Thêm một điều đáng lo ngại hơn: nhiệt độ trung bình 12 tháng vừa qua cũng chính là giai đoạn nóng bức nhất từng được ghi nhận trong kho dữ liệu của chúng tôi" - bà Vamborg cho biết.
Tượng Nữ thần Tự do bị che lấp một phần do sóng nhiệt trong chiều hoàng hôn "bức người" hôm 31/5/2020 (Ảnh: Getty Images)
Mặt khác, theo dự báo độc lập của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, 2020 gần như chắc chắn có tên trong Top 10 năm nóng nhất lịch sử, thậm chí xác suất lọt vào Top 5 lên đến 98%.
Những nơi hứng chịu nhiệt độ tăng mạnh nhất là Siberia, Alaska và Nam Cực - đều nóng hơn đến 10 độ C so với mức bình quân hàng năm.
Giai đoạn 12 tháng vừa qua, tính từ tháng 6/2019 đến tháng 5/2020, toàn cầu đã tăng nhiệt độ lên 0,7 độ C so với mức bình quân hàng năm. Riêng tháng 5 vừa qua cao hơn 0,63 độ C so với mức trung bình các năm từ 1981 đến 2010. Ngoài ra, 2019 cũng được ghi nhận là năm nóng thứ nhì lịch sử, khép lại một thập kỷ nóng bức nhất mà cư dân toàn cầu từng phải trải qua.
Ngoài cái nóng kinh hoàng, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên sẽ kéo theo nhiều thảm họa khác cho con người.
Xu hướng Trái đất nóng dần lên chủ yếu do khí nhà kính làm biến đổi khí hậu. Nhưng không chí có nhiệt độ gia tăng, nhân loại đang và sẽ còn gánh chịu hàng loạt thảm họa khác, bao gồm băng tan nhanh ở Greenland và Nam Cực, cháy rừng không thể kiểm soát từ Úc đến California (Mỹ), những đợt sóng nhiệt và siêu bão dữ dội hơn bao giờ hết...
Việc Trái đất nóng lên do tác động của con người, đến giờ chưa có dấu hiệu dừng lại. Năm 2015, các quốc gia đã ký Thỏa thuận chung Paris về hạn chí khí thải, nỗ lực ngăn chặn nhiệt độ tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng đến nay, con số này vẫn là mục tiêu xa vời.
(Theo CNBC)