Chuyên mục  


Cô Tấm, bà Tiên hay ông Bụt đều là những nhân vật hư cấu xuất hiện trong các câu chuyện cổ tích của dân gian xưa kia. Ai cũng hiểu những người đó làm gì có trên cõi đời nhưng đối với chị Lê Tuyết Vân, chị vẫn luôn khẳng định "ông Bụt" thực sự tồn tại trên thế gian này, đó chính là người đã đưa chị từ cõi chết trở về một cách ngoạn mục và còn cho chị một cuộc sống đủ đầy, an yên theo cách mà hệt như người ta nói "chỉ có trong cổ tích mà thôi!".

Hình ảnh chị Vân của hiện tại, rạng rỡ ở trời Âu.

Đi chữa bệnh kỳ quái gặp chân ái cuộc đời

Tháng 5/2005, cô gái nhỏ Lê Tuyết Vân (19 tuổi), ở Long An, mắc căn bệnh "kỳ lạ" chẳng hiểu sao mà chạy chữa nhiều nơi vẫn không khỏi. Từ thuốc nam đến thuốc tây chị đều dùng qua nhưng bệnh tình không thuyên giảm mà còn nặng thêm.

Ba mẹ chị Vân vốn là trẻ mồ côi (mất bố mẹ trong chiến tranh) đồng cảm được với nhau và nên duyên vợ chồng. Gia cảnh nghèo khó lại sinh tới 10 người con nên cuộc sống vô cùng vất vả. Cấy ruộng thì thất bát vì ruộng xấu, đất sình lầy, đi làm thuê cũng chẳng thấm vào đâu vì hơn chục miệng ăn. Chị Vân lại chẳng may mắc căn bệnh quái ác nên cuộc sống đã vất vả lại càng thêm cực đến nỗi mà có lúc chị nghĩ đến cái chết để giải thoát.

Trong lần lên thành phố chữa bệnh, chị Vân ở nhờ tại nhà hàng của một người quen. Lúc khách đông, chị được nhờ đi mang hóa đơn thanh toán cho khách, nào ngờ đúng lúc đó chị lăn ra ngất xỉu vì cơ thể quá yếu. Anh Dinh Chi Tomas (một Việt kiều Đức về Việt Nam công tác) là người ngồi ngay bàn đó, cùng một vài người khác đỡ chị Vân lên và đưa vào trong nghỉ ngơi, cả quán ăn hôm đó được phen xôn xao, hoảng hốt.

Hình ảnh chị Vân khi mới chữa khỏi bệnh.

Về nhà rồi, anh Chi Tomas vẫn chẳng thể quên được dáng hình cô gái nhỏ gầy yếu với đôi mắt thâm quầng, làn da xanh xao ở quán ăn hôm ấy. May mắn anh giữ lại hóa đơn nên có số điện thoại của nhà hàng để hỏi thăm tình hình của chị. Sau khi biết chị Vân mắc bệnh khó chữa, anh tìm đến tận nơi đưa chị Vân đi khám. 

Lúc này, bản thân chị Vân và gia đình mới biết hóa ra chị chẳng mắc bệnh hiểm nghèo nào cả mà chỉ đơn giản là do hệ thống cơ không phát triển kịp với xương khi chị bước vào tuổi dậy thì. Nếu được thăm khám sớm, chỉ cần ăn uống tập thể dục là sẽ không sao nhưng vì ở quê, nhà thì nghèo, chẳng có tiền nên bố mẹ cho chị uống mấy thứ thuốc lá của các thầy lang khiến tình trạng càng nghiêm trọng thêm. Rồi uống và tiêm nhiều thứ thuốc tây khiến chị bị "nghiện thuốc".

Bắt đúng bệnh, tình trạng của chị Vân đã khá hơn hẳn. Anh Chi Tomas trở về Đức nhưng không quên nhắn tin hỏi han chị. Lâu dần, cả 2 ngày càng thấy nhớ nhung nhau nhiều hơn. Anh Chi Tomas còn chăm chỉ học tiếng Việt để được nói chuyện và hiểu hơn về chị Vân, bởi anh sang nước ngoài từ năm 12 tuổi nên vốn tiếng Việt hạn chế. 

Khi công khai mối quan hệ, họ bị gia đình anh Chi Tomas phản đối vì cho rằng "kẻ quê mùa" như chị Vân chỉ đang cố tình lợi dụng anh, nhưng anh chỉ nói đúng một câu khiến chị hoàn toàn yên tâm: "Em chỉ cần biết là anh yêu em, thế thôi".

Những sóng gió ngày đầu

Năm 2016, sau khi chị Vân chinh phục được gia đình chồng ở Việt Nam và chuẩn bị kỹ càng vốn tiếng Đức, anh Chi Tomas đón vợ sang Đức sinh sống. Dù đến với nhau xuất phát từ tình yêu thương nhưng anh chị lại ở 2 thế giới hoàn toàn trái ngược. 

Một bên là người đàn ông gốc Việt nhưng sống theo kiểu Tây vì anh ở nước ngoài đã hơn 30 năm rồi. Còn một bên là cô gái quê mùa, cục mịch xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khó. Cả 2 có quá nhiều khoảng cách mà không biết phải bắt đầu từ đâu để xích lại gần nhau hơn. 

Ban đầu sang Đức, anh muốn chị phải sửa từ nếp ăn, cách đi đứng, tác phong và nhiều thứ khác trong khi "chị mười" Vân (cách người thân thường gọi bởi chị Vân là con thứ 10 trong gia đình có 10 anh chị em) lại không thể thích nghi ngay được với cuộc sống ở một nơi xa xôi có quá nhiều điều lạ lẫm.

Chị Vân kể: "Chị lấy ví dụ đơn giản như thế này để em hình dung được hoàn cảnh của chị khi ấy. Bình thường chị ăn phở, chị toàn đưa cả bát lên húp sùm sụp, chị thấy ăn như vậy mới đã đời mà thực tế là ở quê mọi người toàn ăn như vậy. Nhưng ở đây thì không, mọi người dùng muỗng, nhẹ nhàng múc rồi đưa vào miệng mà chẳng phát ra bất kỳ âm thanh nào. 

Còn cả chuyện đi đứng, chị vốn là một cô gái quê sống đơn giản, đi đứng cũng chẳng quá chú trọng đến dáng đi nhưng từ khi chị sang sống với anh, chị phải sửa cả cách đi lại, đi thật nhanh, thẳng người chứ không lẹt phẹt như trước kia được nữa.

Tiếp đó là ngôn ngữ, ở Việt Nam chị học tiếng từ giáo viên người Việt dạy nên ngữ điệu, cách phát âm chưa được chuẩn tiếng Đức. Nhưng khi sang Đức sống, anh muốn chị thay đổi để giao tiếp tốt và chuẩn ngôn ngữ người bản địa. Thế là lại thêm một vấn đề rắc rối".

Đặc biệt là trong "cuộc chiến" ăn uống - ở đây phải dùng đến từ cuộc chiến bởi chỉ có từ đó mới có thể miêu tả hết được sự khó khăn của chị Vân. Vốn là một cô gái quê mùa sinh trưởng trong một gia đình đông con nheo nhóc, cơm ăn còn thiếu huống chi là đồ ăn ngon, chuẩn vị. Vậy mà từ khi sang sống cùng chồng, chị Vân buộc phải học cách nấu đồ ăn Việt chuẩn vị quê hương mà cái khó là chị không có đủ nguyên liệu để làm được đúng như ở quê nhà.

Người phụ nữ Việt ở trời Tây kể chuyện tình yêu với căn bếp

Đã có lúc chị Vân cảm thấy ức chế muốn bỏ tất cả để về Việt Nam sống kiểu "nhà quê" để khỏi phải gò bó trong một thế giới khác chị không quen. Thấy chị "căng" lên, anh đành phải nhún nhường và để chị từ từ làm quen với cuộc sống mới. Dần dần, chị Vân cũng tự quan sát, học hỏi và thích nghi tốt. Thậm chí, giờ đây, các động tác làm việc, giao tiếp và ứng xử của chị Vân còn nhanh nhẹn, thành thục và "chuyên nghiệp" hơn cả anh.

Từ câu chuyện của mình, chị Vân mới nghiệm ra rằng vốn dĩ cuộc sống vợ chồng chẳng bao giờ có thể hòa hợp được ngay lập tức nhưng nếu biết nhường nhịn nhau thì từ tình yêu người ta sẽ tự động sửa chữa để dung hòa, thấu hiểu, yêu thương thêm đong đầy theo năm tháng.

Trong cuộc trò chuyện, chị Vân liên tục nhấn mạnh rằng anh Chi Tomas chẳng khác gì "ông Bụt sống" trong cuộc đời của chị. Từ một cô gái nghèo bệnh tật yếu ớt đến mức chẳng còn thiết sống, chị đã được "hồi sinh" một cách kỳ diệu mà như người ta nói là chỉ có trong truyện cổ tích.

Chị nói: "Khi còn sống ở quê với ba mẹ, chị chỉ ước có đủ cơm ăn áo mặc nhưng từ hồi gặp anh cho đến tận giờ phút này, chị thấy mình như vậy là hạnh phúc mĩ mãn, muốn cái gì có cái đó, muốn đi đâu được đi đó, sống chẳng thiếu thứ gì nữa cả".

Mang tất cả tình yêu vào căn bếp

Tình yêu của chị Vân và anh Chi Tomas khiến người ta phải trầm trồ ngạc nhiên đến ước ao, khao khát. Chị được chồng yêu thương, chiều chuộng như vậy thật mừng cho chị nhưng cũng phải tiết lộ rằng chị đã chinh phục được cả trái tim của anh qua đường... dạ dày.

Chị Vân khẳng định: "Chính từ sự khắt khe trong cách ăn uống của chồng mà chị mới có được bàn tay làm bếp như ngày hôm nay. Bởi lẽ, anh ăn rồi cho chị nhận xét, anh không bằng lòng chị lại đổ đi rồi tiếp tục mày mò làm lại cho kỳ được thì thôi. Có những lúc chị cũng tủi thân, cũng nản lòng, cũng buồn chán lắm nhưng rồi chị lại kiên trì tìm tòi, học hỏi công thức để làm ra được món đúng vị, không lệch chút xíu nào luôn".

Kể về quá trình trở thành một "đầu bếp tại gia" siêu đỉnh, chị Vân bắt đầu từ những ngày còn là một đứa trẻ lam lũ ở quê. Nhà đông người nhưng các anh chị lớn đều phải đi làm đồng phụ giúp ba mẹ, khi còn là bé gái chừng 9-10 tuổi chị đã phải tự nấu đồ ăn, cơm nước mang ra đồng cho ba mẹ ăn trưa. Lớn lên một chút, chị bắt đầu học hỏi các món ăn vùng quê miền Tây qua những bữa cỗ, đám giỗ, đám cưới. Có lẽ trời thương nên cũng "phú" cho cô gái ấy một chút năng khiếu và sự lanh lẹ nên chị Vân học rất nhanh. 

Trước khi sang Đức, chị Vân có ý định mở một nhà hàng đồ ăn Việt nên chị đã đi học thêm một khóa học nấu ăn để chuẩn bị tinh thần làm "bà chủ". Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe cộng thêm việc mở nhà hàng ở Đức không phải là điều dễ dàng nên chị đành chấp nhận ở nhà làm đầu bếp tại gia, nấu ăn cho chồng, thỉnh thoảng có bạn bè người quen nhờ nấu cỗ thì chị nhận lời giúp, bằng tất cả cái tâm của một người làm bếp.

Một loạt những món ăn Việt do chính tay chị Vân làm ra.

Chị nói: "Tính chị rất cầu kỳ trong chuyện bếp núc. Ở bên này gia vị để nấu đồ ăn Việt cực kỳ khó kiếm nhưng chị vẫn phải tìm cách kiếm cho bằng được, hoặc không thì chị nhờ người ở Việt Nam mua rồi gửi qua cho. Nếu không có nhất định chị không nấu".

Chẳng thế mà, mỗi món ăn chị Vân làm ra đều khiến mọi người phải chảy nước miếng vì trước hết là ngon mắt, sau đó khi cầm đũa lên thưởng thức thì càng "phê" hơn nữa. Có lần, chị Vân nhận lời nấu cỗ cho cả một đám cưới của một người bạn Đức. Gia chủ đã cảm ơn chị rối rít vì quá ngon mà quá hoàn hảo, trong khi tất cả khâu chuẩn bị nguyên liệu, chế biến, bày biện đều do một tay chị Vân đảm nhiệm.

Trong căn bếp của chị Vân luôn có 2 chiếc tủ lạnh trữ đông và trữ mát để đựng sẵn những nguyên liệu làm các món ăn. Sau nhà, chị Vân còn có một khu vườn với đủ loại rau trái có thể trồng được với khí hậu ở Đức, kể cả các loại rau thơm Việt Nam để bất cứ khi nào 2 vợ chồng muốn ăn đồ ăn Việt như bún riêu cua, phở, bánh... là chỉ cần 15-30 phút chị Vân đã có thể dọn món ra bàn.

Chị Vân có hẳn một khu vườn đủ loại rau trái để phục vụ cho công việc nấu ăn.

Tất nhiên, người ta làm gì cũng cần có động lực, và động lực của chị Vân chính là tình yêu của chồng dành cho chị và tình cảm của chị đối với chồng. Mỗi lần chị Vân vào bếp, anh không làm được "bếp chính" nhưng cũng đứng phụ giúp vợ nhặt rau hoặc rửa bát. Chị kể: "Chị cứ bày cái gì ra xong là anh đứng ngay cạnh dọn luôn. Chẳng thế mà căn bếp nhà chị chưa bao giờ bừa bộn dù ai cũng biết là nấu món Việt cầu kỳ hơn món Tây gấp trăm lần, đủ thứ nguyên liệu, gia vị cầu kỳ".

Mang tất cả tình yêu thương vào căn bếp, chị Vân khiến tất cả mọi người, kể cả những chị em ở Việt Nam cũng phải xuýt xoa ngưỡng mộ vì chị bày đồ ăn quá đẹp, hương vị lại chuẩn xịn dù ở nơi xa việc mua nguyên liệu chưa bao giờ là điều dễ dàng. 

Duyên số cho chị Vân gặp được "định mệnh" của cuộc đời và vượt qua muôn vàn khó khăn trắc trở, chị đã biến câu chuyện tình yêu của mình thành một "câu chuyện cổ tích đời thực". Khó khăn có thể còn nhưng nó sẽ chỉ là chất xúc tác cho tình cảm của anh chị thêm bền chặt mà thôi.

Cảm ơn chị Vân vì câu chuyện tuyệt vời của chị! Chúc chị nhiều sức khỏe, mãi giữ được ngọn lửa đam mê với căn bếp ngập tràn yêu thương, nấu được những món ăn tuyệt hảo cho đời, cho người!

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020