Chuyên mục  


Tang lễ nghệ sĩ diễn ra tại Vãng sanh đường, chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), trưa 3/5. Gia đình chọn di ảnh là bức chân dung ông chụp vào độ trung niên - thời đỉnh cao trong sự nghiệp diễn xuất. Ở góc phòng, hai màn hình tivi chiếu lại trích đoạn các phim nhựa lừng lẫy một thời của Hồng Đức, trong đó có vai anh hùng diệt xe tăng Cù Chính Lan trong Người chiến sĩ trẻ (1964).

Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Đức qua đời hôm 22/4, hưởng thọ 83 tuổi. Ảnh: Mai Nhật

Con gái thứ - Nguyễn Thị Thùy Dương - cho biết những năm gần đây, sức khỏe ông xuống dốc sau bốn đợt đột quỵ, lần gần nhất cách đây ba năm. Nghệ sĩ cũng mắc chứng cao huyết áp, tiểu đường, phải ngồi xe lăn di chuyển. Dù vậy, ông giữ niềm vui sống tích cực, cùng vợ con du lịch khắp nơi. Tối 22/4, ông trút hơi thở cuối trên giường bệnh khi vẫn nắm chặt tay người vợ kém 13 tuổi. "Bố tôi ra đi trong thanh thản, không vướng bận gì vì đã có một cuộc sống hạnh phúc, sự nghiệp viên mãn", Thùy Dương nói.

Trong ký ức các con, nghệ sĩ Hồng Đức một đời lo lắng chu toàn cho gia đình. Những năm đầu thập niên 1970, sau khi lần lượt sinh ba con - hai gái, một trai, cuộc sống gia đình nhiều chật vật. Thời bao cấp, tem phiếu mua gạo, thịt từ nghề diễn còn ít ỏi, ông cùng vợ nhận vẽ trang trí thêm guốc mộc. Mỗi ngày, ông đèo các bao tải guốc, đạp xe từ khu tập thể lắp ghép Trương Định đến Hàng Ngang, Hàng Đào (Hà Nội), kiếm từng đồng để trang trải thêm.

Nghệ sĩ Đỗ Kỷ - đại diện ban lãnh đạo Nhà hát kịch Việt Nam từ Hà Nội vào TP HCM - trao kỷ niệm chương vinh danh diễn viên Hồng Đức cho vợ và con gái đầu của ông, sáng 3/5. Ảnh: Đức Minh

Nổi tiếng với các vai phản diện, ngoài đời, nghệ sĩ Hồng Đức hiền lành, trò chuyện từ tốn. Dù nghiêm khắc, một mặt, ông vẫn cưng chiều các con. Thùy Dương nhớ được bố hướng dẫn từng kỹ năng, từ ghi hình bằng camera đến trang điểm, trò chuyện trước công chúng. Ba con dần trưởng thành, tốt nghiệp đại học, thành công trên con đường riêng dù không ai chọn theo nghề diễn. "Ngày ấy, gia đình thiếu trước hụt sau, bố tôi vẫn luôn tâm niệm: Bằng mọi giá phải kiếm tiền để con ăn học đầy đủ", con gái nghệ sĩ cho biết.

Năm 2011, sau khi từ Hà Nội chuyển vào TP HCM sống cùng gia đình con gái, ông tiếp tục nhận được các lời mời đóng phim điện ảnh lẫn truyền hình. Ở tuổi ngoài 70, nghệ sĩ vẫn say nghề, không nề hà vai phụ, phản diện.

Nhiều nghệ sĩ của Nhà hát kịch Việt Nam - nơi Hồng Đức gắn bó sinh thời - từ Hà Nội vào TP HCM để tiễn biệt ông. Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương quen đàn anh từ thuở mới ra trường, cùng công tác trong đoàn kịch của nhà hát đầu thập niên 1980. Với Lan Hương, ông "nghệ sĩ nhất trong tất cả nghệ sĩ" bà từng quen, sống lãng mạn, ấm áp. Mỗi khi lên sân khấu, ông diễn thăng hoa như quên hết mọi sự. Có lần, tham gia vở Bệnh sĩ, dù vào vai thứ, Hồng Đức "phiêu" hay đến mức khiến đạo diễn Đình Quang - người dàn dựng - nói vui: "Anh xin em, tiết chế lại kẻo khán giả không quan tâm đến vai chính".

Trong điếu văn, nghệ sĩ Kiều Minh Hiếu - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - nói lời tiễn biệt: "Các bạn hữu thân thiết không còn thấy một con người hiền lành, luôn sống trong giao cảm đầy đặn với mọi người nữa. Đồng nghiệp, học trò mất đi một người thầy chân tình, tâm huyết truyền nghề, truyền lửa. Vĩnh biệt Hồng Đức, chúng ta - những người ở lại - luôn ghi nhớ hình ảnh của một nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh và truyền hình đầy đam mê, nhiệt huyết và yêu nghề". Chiều 3/5, linh cữu nghệ sĩ được an táng tại công viên nghĩa trang Phúc An Viên, thành phố Thủ Đức.

Nghệ sĩ Nhân dân Minh Đức đến viếng bạn diễn trong "Người chiến sĩ trẻ". Ảnh: Đức Minh

Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Đức tên thật Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1940 tại huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Ông lớn lên tại Hải Phòng, trở thành kiến trúc sư, công tác tại đây. Từ năm 1963 đến năm 1969, ông dần chuyển sang nghiệp diễn xuất khi công tác tại Xưởng Phim truyện Việt Nam (nay là Hãng Phim truyện Việt Nam).

Năm 1964, nghệ sĩ đóng vai chính - anh hùng diệt xe tăng Cù Chính Lan trong phim Người chiến sĩ trẻ, ghi dấu với giới điện ảnh và khán giả bởi lối diễn chân thật qua hình ảnh bộ đội Cụ Hồ. Nhờ vai diễn, ông được nhận các giải Bông Sen vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ nhất - năm 1970, bằng khen của Hội Điện ảnh Liên Xô tại Liên hoan phim quốc tế Moskva năm 1965. Ông còn tham gia nhiều phim như Lá cờ chuẩn, Một chuyến xe, Bình minh xôn xao.

dien-vien-hong-duc-dong-trong-phim-canh-sat-hinh-su-co-con-t-1682508534.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hKK_NgaMUyiVJwSnaM3Dlg
Diễn viên Hồng Đức đóng trong phim "Cảnh sát hình sự: Cổ cồn trắng"

Diễn viên Hồng Đức đóng trùm tội phạm trong phim "Cảnh sát hình sự: Cổ cồn trắng". Video: VTV

Thập niên 1990-2000, ông đóng hàng chục phim truyền hình, gây ấn tượng với các vai Tiên "chỉ" trong Cổ cồn trắng, Ba Tỉnh trong Chuyện phố phường, ông Siu - chủ sòng bạc trong Chạy án. Diễn viên được tán thưởng với lối diễn sắc sảo khi hóa thân Tiên "chỉ" - nhân vật ông trùm lấy cảm hứng từ Năm Cam trong Cảnh sát hình sự: Cổ cồn trắng (10 tập, tác giả kịch bản Nguyễn Như Phong, phát sóng năm 2002).

Ngoài nghiệp phim ảnh, ông còn là nghệ sĩ kỳ cựu của Nhà hát kịch nói Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam). Ông đóng vai chính trong tất cả thể loại - chính kịch, hài kịch lẫn bi kịch, nổi tiếng với các vở Đại đội trưởng của tôi, Nhân danh công lý, Lịch sử và nhân chứng, Bài ca Điện Biên, Đảo thần Vệ nữ.

Mai Nhật

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020