Chuyên mục  


Những lò gạch san sát tựa như những "lâu đài cổ" bên bờ sông Sa Đéc thời còn hưng thịnh (Ảnh: Internet)

Nằm bên bờ sông Sa Đéc hiền hòa, cách quốc lộ 80 chỉ một chuyến đò ngang, làng gạch An Hiệp hiện lên như một thế giới thu nhỏ với những "lâu đài cổ" mang dáng dấp uy nghiêm, cổ kính. 

Dù còn khá ít nhưng nét xưa cổ, nhưng những miệng lò truyền thống vẫn được bà con giữ lại như sự nhắc nhớ về thời các bậc tiền nhân khai hoang mở cõi. Là loại lò hình tròn, mái vòm, các lò gạch ở đây có đường kính từ 6m2 – 8m1, chiều cao từ 8 – 14m5.

2 thế kỷ hình thành và phát triển cũng là ngần ấy năm làng gạch An Hiệp tạo ra công ăn việc làm cho những con người bình dị của mảnh đất này. Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, nghề làm gạch nơi đây vẫn sống dẫu buồn hơn xưa…

Khi những người cuối cùng bám "nghề của đàn ông" lại là phụ nữ

Đó là suy nghĩ đầu tiên trong tôi khi vừa đặt chân đến "thủ phủ gạch nung" thuộc xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Từng là nơi sản xuất, mua bán gạch, ngói sầm uất với hàng trăm công nhân tất bật ngày đêm, đến nay, làng gạch An Hiệp chỉ còn vài hộ bám trụ với nghề, nhân công cũng vì thế mà thưa thớt dần.

"Cô làm gạch từ thời con gái, chắc cũng gần 10 năm rồi. Giờ làm gạch chủ yếu là phụ nữ với người già, thanh niên ít lắm. Tụi nó đi làm công ty, xí nghiệp, được nhiều tiền hơn" – cô Lê Thị Quyên (44 tuổi), công nhân làm gạch, chia sẻ.

Hầu hết những người còn bám nghề, đều là phụ nữ và người cao tuổi

180.000 đồng/ngày, từ 7 giờ đến 16 giờ. Những người phụ nữ của làng gạch, nếu không là kéo xe gạch dưới cái nắng 1, 2 giờ trưa thì cũng nám đỏ, nám đen với việc chụm lò, đốt trấu. Để cho ra đời những thiên gạch chất lượng cần phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đất lệch (đất sét ruộng) sẽ được máy nhào nặn, ép khuôn và cắt thành từng viên gạch sống sau đó chuyển đến nhân công bằng các máng trượt.

Nhiệm vụ của những người thợ như cô Quyên là chất gạch sống lên xe đẩy và phơi nắng. Toàn bộ công đoạn này, họ đều phải đứng để thực hiện. Những công việc mà tưởng chừng như chỉ có cánh mày râu mới đảm đương nổi thì giờ đây đều do các chị, các mẹ thực hiện. 

Không chỉ cô Linh, cô Quyên mà còn rất nhiều những phận người nơi đây, thấy đất bùn, gạch ngói còn nhiều hơn thấy mặt con chữ.

"Tối về đau nhức lắm chứ, đứng nguyên ngày mà. Tối nào cũng phải xoa dầu để sớm mơi (sớm mai - PV) còn đi tiếp" – Cô Nguyễn Ngọc Linh (40 tuổi) tâm sự.

Còng lưng kéo từng xe gạch, mẹ tảo tần nuôi dưỡng ước mơ con

Cô Nguyễn Trung Phụng (45 tuổi) vì cái nghèo mà dang dở việc học từ năm lớp 6. Rồi sau đó là những tháng ngày theo chân mẹ rong ruổi từ lò này sang lò khác, ngót nghét cũng gần chục năm. Cô Phụng bảo, ngày xưa vùng này làm gạch không ngơi tay, nhà nào cũng có vài miệng lò, đỏ lửa quanh năm. Nhưng rồi xã hội phát triển, người ta ưa gạch không nung, rồi bê tông..., vừa tiện lợi vừa ít gây ô nhiễm môi trường. 

Dần dà, những lò gạch truyền thống không còn đất sống, bà con nước mắt ngắn dài mà đập lò hoặc bỏ hoang. Nhu cầu công nhân cũng vì thế mà ít đi. 

"Hên cái lò này còn làm", cô Phụng cười.

Dù vất vả nhưng chỉ cần lò gạch còn đỏ lửa, cô Phụng cũng cảm thấy may mắn lắm rồi

Việc sản xuất gạch theo cách truyền thống như mấy cô ở đây, gạch đốt lò bằng các phụ phẩm nông nghiệp như trấu, vỏ hạt điều... nên ngoài việc gây hại cho môi trường, sức khỏe con người cũng chịu chung cảnh độc hại. Dẫu vậy, những người như cô Phụng, cô Oanh, cô Quyên vẫn phải cố bám nghề, cũng vì cái mưu sinh.

Nghỉ trưa ngay cạnh máng trượt, trong căn chòi nhỏ che tạm bằng vài tấm bạt rách bươm, cô Phụng kể về những đứa con của mình. 

"Nhà cô có 2 đứa con gái. Gái lớn năm nay vào năm nhất. Em nó học giỏi, thầy cô cấp 3 thương lắm. Hồi 12 học xong là nó chạy ra chợ phụ người ta bán giày dép. Gái út cô thì năm nay học lớp 4, chị em nó cũng động viên nhau học lắm". 

Bàn tay lam lũ và ánh mắt chất chứa lo toan của cô Phụng

Trong mắt của người mẹ ấy đong đầy tình yêu, niềm tự hào về 2 đứa trẻ nhưng đâu đó ẩn chứa nỗi lo lắng. Bởi con đường phía trước còn rất dài, những lo toan về cơm áo, tiền học, tiền nhà vẫn đè nặng đôi vai. Mong muốn về một tương lai con cái tươi sáng và đỡ phần cơ cực hơn mẹ chúng nó, tưởng giản đơn mà lại là niềm canh cánh bao năm dài. 

"Cô ít học, chỉ mong cho con cái học hành tới nơi tới chốn, được cái nghề nuôi thân", uống vội ly nước, cô Phụng quay lại hì hục với xe đẩy gạch.

Xe gạch nặng còng lưng giúp những người phụ nữ miền Tây trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học

Cái lò gạch không chỉ bước vào văn đàn Việt Nam qua lời kể của nhà văn Nam Cao, không chỉ chứng kiến cuộc đời quẩn quanh từ khi sinh ra của Chí Phèo bên "cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua" mà còn bước ra đời thật và chứng kiến những phận người sớm hôm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. 

Làng gạch ngày nay buồn hơn xưa phải chăng do kinh tế phát triển hay vì đang ấp ôm cho những kiếp người nghèo khó? Cả cuộc đời đi đôi cùng cơ cực, các bà, các mẹ nơi đây chỉ mong một nét màu rực rỡ hơn, vui tươi hơn trong bức tranh tương lai của thế hệ sau này. 

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020