Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố điều duy nhất có thể khiến ông thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới là "hành vi gian lận của đảng Dân chủ". Phong trào Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại (MAGA), những người ủng hộ cựu tổng thống mạnh mẽ, cũng tin điều này. Họ cho rằng nếu cuộc bầu cử được tiến hành công bằng, Trump tất yếu sẽ chiến thắng và không ai có thể cản đường ông.
Các nhà hoạt động MAGA cho biết trong nhiều tháng qua, họ đã lên kế hoạch để giành lại "cuộc bầu cử bị đánh cắp" nếu ông Trump bị tuyên bố là thất cử. Họ sẵn sàng đệ đơn lên tòa án, gây sức ép để các nghị sĩ không chứng nhận kết quả kiểm phiếu đại cử tri, thậm chí khuyến khích biểu tình cho đến ngày 6/1/2025, khi quốc hội Mỹ chính thức công nhận ứng viên chiến thắng.
"Tôi đã có kế hoạch và chiến lược", cựu lính đặc nhiệm Mỹ Ivan Raiklin, nhà hoạt động MAGA có quan hệ mật thiết với các trợ lý của ông Trump, phát biểu ở bang Pennsylvania ngày 12/10. "Và ngày 6/1 sắp tới sẽ rất thú vị".
Ivan Raiklin phát biểu tại Greeley, bang Pennsylvania ngày 12/10. Ảnh: Reuters
Sau thất bại năm 2020 trước đối thủ Joe Biden, ông Trump cho rằng cuộc bầu cử "có gian lận", nhưng không có bằng chứng. Những ý tưởng pháp lý mà Raiklin đưa ra khi đó được cho là đã tác động đến nỗ lực lật kèo bầu cử của ông Trump.
Raiklin tự nhận mình là "bộ trưởng trừng phạt của Trump". Raiklin gần đây cho biết đã chuẩn bị một "danh sách mục tiêu" gồm hơn 350 người mà ông sẽ nhắm đến trong nhiệm kỳ hai của cựu tổng thống.
Trong bài phát biểu gần đây trước chi nhánh đảng Cộng hòa hạt Talbot, bang Maryland, Raiklin cho rằng nghị sĩ tại các bang Arizona, Georgia, Nebraska, New Hampshire, Wisconsin, Bắc Carolina nên họp vào ngày bầu cử để trao thẳng phiếu đại cử tri cho ông Trump, bất chấp kết quả phiếu phổ thông.
Chiến lược này thu hút sự chú ý, sau khi hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Maryland Andy Harris, chủ tịch khối cực hữu Freedom Caucus tại Hạ viện, ngày 24/10 nói "sẽ rất phù hợp" nếu phân bổ đại cử tri theo cách đó ở Bắc Carolina. Lý do là bang này thiệt hại nặng nề vì bão Helene, khiến một số cử tri không thể tham gia bầu cử.
"Diều đó có thể phù hợp ở Bắc Carolina, nhưng ông sẽ lập luận thế nào ở các bang khác?", ông Harris đặt câu hỏi. Raiklin phản hồi rằng các nghị sĩ Cộng hòa cần hành động, vì ông tin hạ nghị sĩ Dân chủ bang Maryland Jamie Raskin cùng các đồng nghiệp sẽ tìm cách ngăn ông Trump đắc cử.
Ngày 25/10, ông Harris rút lại bình luận, cho rằng hai người chỉ "trao đổi về lý thuyết" và nghị sĩ này tin việc bỏ phiếu ở Bắc Carolina có thể diễn ra suôn sẻ.
Ý tưởng của Raiklin còn được nhiều người cánh hữu ủng hộ, như Mark Finchem, ứng viên Cộng hòa cho ghế thượng nghị sĩ bang ở Arizona.
Một số nhóm MAGA khác đang thu thập bằng chứng về gian lận bầu cử để chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý nếu bà Harris thắng. Các đồng minh của ông Trump, và bản thân cựu tổng thống, đưa ra nhiều tuyên bố về gian lận bầu cử thông qua những kênh có lượng người theo dõi lớn hoặc sự kiện vận động.
4 năm trước, phần lớn nỗ lực của ông Trump cùng đồng minh nhằm lật kèo bầu chỉ là ngẫu hứng, với loạt vụ kiện không đi đến đâu và nỗ lực thuyết phục các nghị sĩ bang chặn chứng nhận kết quả bầu cử ở bang mình nhưng bất thành. Dù vậy, những tuyên bố của ông Trump được cho đã góp phần thúc đẩy người ủng hộ biểu tình, đỉnh điểm là cuộc bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6/1/2021.
Giới chuyên gia cảnh báo kịch bản này có thể lặp lại năm nay nếu ông Trump thất cử nhưng không nhận thua và tiếp tục đưa ra những cáo buộc về "gian lận bầu cử". Hannah Gais, nhà nghiên cứu tại tổ chức phi lợi nhuận Southern Poverty Law Center, trụ sở bang Alabama, lo ngại những lời lẽ này có thể biến thành bạo lực, chỉ là mức độ không như vụ bạo loạn năm 2021.
"Tình trạng ăn cắp phiếu bầu đang xảy ra lần nữa", Emerald Robinson, phát thanh viên cánh hữu với gần 800.000 người theo dõi trên X tuyên bố hồi đầu tháng 10. Robinson chỉ trích việc một số bang mất nhiều ngày kiểm phiếu. "Xác định kết quả bầu cử không mất nhiều thời gian. Gian lận mới cần nhiều ngày".
Trong những tập gần đây của War Room, chương trình do cựu cố vấn Steve Bannon của ông Trump khởi xướng, khách mời nhiều lần ám chỉ thống đốc đảng Dân chủ tại các bang chiến trường hoặc nghị sĩ Dân chủ tại quốc hội có thể chặn xác nhận ông Trump thắng cử.
Họ dẫn lại những bình luận như của nghị sĩ Raskin nói với Axios đầu tháng 10 rằng ông không tin ông Trump sẽ thắng cử một cách "tự do, công bằng và chân thực". Raskin thêm rằng ông sẽ công nhận ông Trump thắng nếu chiến thắng đó là thật.
"Họ luôn gọi chúng tôi là những người phủ nhận bầu cử", hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Georgia Marjorie Taylor Greene nói. "Nhưng tình hình cho thấy dường như có một cuộc chiến liên quan xác nhận kết quả đang được chuẩn bị". Bà Greene cũng đưa ra thuyết âm mưu là cảnh sát đồi Capitol đã diễn tập theo một kịch bản do phe Dân chủ đưa ra nhằm ngăn ông Trump trở lại nắm quyền.
Lara Trump, con dâu ông Trump, đồng chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC), ngày 30/10 ca ngợi các nỗ lực của đảng Cộng hòa trong bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc bầu cử. "Chúng tôi muốn đảm bảo toàn bộ người dân cảm thấy ổn về quy trình bầu cử Mỹ", cô nói.
"Tổng thống Trump, chiến dịch của ông Trump và RNC luôn nhất quán và rõ ràng rằng chúng tôi đang chủ động hành động để bảo vệ phiếu bầu và mọi người dân Mỹ hãy ra ngoài, bỏ phiếu để khiến cuộc bầu cử này quá lớn để can thiệp", Karoline Leavitt, phát ngôn viên chiến dịch của Trump, nói.
Người ủng hộ ông Donald Trump tại sự kiện vận động ở thành phố Allentown, bang Pennsylvania ngày 29/10. Ảnh: AFP
Các quan chức lập pháp liên bang đã lưu ý tình hình. Bộ An ninh Nội địa Mỹ và Cục Tình báo Liên bang đầu tháng 10 đã đăng cảnh báo về những lời lẽ cực đoan về cuộc bầu cử có thể thúc đẩy người dân "tham gia bạo lực, như những gì chúng ta chứng kiến trong mùa bầu cử năm 2020".
Quốc hội Mỹ năm 2022 đã thông qua biện pháp khiến việc lật ngược kết quả bầu cử tổng thống trở nên khó hơn. Ông Trump đã rời Nhà Trắng, không thể gây sức ép lên nhánh hành pháp. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo phong trào MAGA đã có tổ chức tốt hơn, quyết tâm hơn và trong một số trường hợp còn cực đoan hơn 4 năm trước.
Marc Harris, cựu thành viên ủy ban Hạ viện phụ trách điều tra vụ bạo loạn tại quốc hội ngày 6/1/2021, nói với CNN rằng ông lo ngại những chiến thuật nhằm làm suy yếu bầu cử đã có sự thay đổi so với năm 2020, ngay cả khi các biện pháp đề phòng đã được triển khai.
"Những người tìm cách lật ngược bầu cử đã chuẩn bị từ sớm hơn so với năm 2020, nhưng ở phía ngược lại, những người bảo vệ nền dân chủ cũng đã tăng cường phòng bị. Kết quả cuộc đối đầu này thế nào vẫn chưa rõ", Harris nói.
Như Tâm (Theo CNN, WION, Atlantic)