"Nhóm kỹ thuật sẽ chuẩn bị đề xuất cho nghiên cứu cần thực hiện tiếp theo và trình lên Tổng giám đốc", phát ngôn viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Fadela Chaib ngày 28/5 cho biết. "Tổng giám đốc WHO sẽ thảo luận với các quốc gia thành viên về các bước tiếp theo. Chưa có mốc thời gian cho hoạt động này".
WHO ra thông báo sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lệnh cho cộng đồng tình báo Mỹ điều tra xem nCoV, phát hiện lần đầu ở Trung Quốc, đến từ động vật hay một sự cố trong phòng thí nghiệm. Động thái này cho thấy tình trạng mất kiên nhẫn ngày càng tăng trong lúc chờ đợi WHO kết luận về cách đại dịch Covid-19 bắt đầu.
Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia cũng thúc giục WHO làm rõ các bước tiếp theo trong việc giải quyết câu hỏi về nguồn gốc Covid-19, vốn được coi là yếu tố quan trọng để ngăn chặn các đại dịch tiếp theo trong tương lai.
Chuyên gia WHO tham gia điều tra nguồn gốc Covid-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc ngày 2/2. Ảnh: Reuters.
WHO hồi tháng 1 cử nhóm chuyên gia quốc tế độc lập tới Vũ Hán, hơn một năm sau khi Covid-19 bùng phát, để điều tra nguồn gốc đại dịch. Trong báo cáo được công bố vào cuối tháng 3, nhóm chuyên gia quốc tế và đối tác Trung Quốc không đưa ra kết luận chắc chắn, thay vào đó nêu một số giả thuyết về nguồn gốc đại dịch.
Báo cáo cho biết giả thuyết nCoV truyền từ dơi sang người qua một loài động vật trung gian có thể xảy ra nhất, trong khi giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm "cực kỳ khó xảy ra".
Tuy nhiên, cuộc điều tra của WHO và báo cáo bị chỉ trích là thiếu minh bạch, tiếp cận chưa đủ và đánh giá không kỹ giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tất cả giả thuyết đang được thảo luận và cần điều tra thêm. Giả thuyết Covid-19 bùng phát do sự cố rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán ngày càng được phía Mỹ ủng hộ, song Trung Quốc bác bỏ kịch liệt.
Một số chuyên gia cho rằng dù chưa chắc sự cố virus lọt khỏi phòng thí nghiệm là nguồn gốc đại dịch, vẫn cần có cái nhìn sâu sắc và mang tính khoa học hơn về giải thuyết này.
"WHO tin rằng sẽ cần có các nghiên cứu sâu hơn trong nhiều lĩnh vực, bao gồm phát hiện sớm các ca nhiễm cùng cụm dịch, vai trò của các chợ động vật, lây truyền qua chuỗi thức ăn và giả thuyết về sự cố trong phòng thí nghiệm", phát ngôn viên WHO Chaib cho biết.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)