Chuyên mục  


Chuỗi tăng kéo dài 3 ngày của giá vàng thế giới vừa chấm dứt. Trong vòng 24 giờ qua, theo dữ liệu của Trading Economics, giá kim loại quý đã giảm từ hơn 2.020 USD/ounce xuống 2.008 USD/ounce.

Diễn biến này một phần đến từ các nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lời sau đợt tăng giá phi mã của vàng. Thêm vào đó, giới đầu tư cũng đang thận trọng hơn trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 3 vào thứ sáu (giờ Mỹ).

xauusd_cur_1_.jpeg

Biến động của giá vàng thế giới trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics.

Vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ

Dù đã điều chỉnh giảm, giá vàng vẫn ở vùng cao nhất trong vòng hơn một năm. Giới đầu tư đã nhận thấy triển vọng kinh tế ảm đạm và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất, thậm chí dừng hẳn.

Một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã tạm dừng tăng lãi suất. Hôm 4/4, Ngân Dự trữ Australia (RBA) quyết định giữ nguyên lãi suất trong tháng 4 sau 10 đợt tăng liên tiếp.

Cơ quan này cho biết sẽ theo dõi diễn biến tình hình kinh tế trong bối cảnh một số dấu hiệu chỉ ra việc tăng lãi suất đã ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng.

gold.jpg

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang phát đi tín hiệu nhẹ tay hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này giúp vàng hưởng lợi. Ảnh: Bloomberg.

Hôm 6/4, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cũng bất ngờ giữ nguyên lãi suất, nhưng khẳng định "nhiệm vụ chưa kết thúc và cuộc chiến chống lạm phát vẫn còn". Cơ quan này khẳng định sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu cần.

Ở chiều ngược lại, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh (BoE) có khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

Vàng rất nhạy cảm với lãi suất. Bởi lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn không mang lại lợi suất. Kim loại quý cũng thường biến động ngược chiều USD.

Giới đầu tư đang phán đoán thế nào?

USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ thế giới - đang dao động quanh ngưỡng 102 điểm, sau khi rơi xuống mức thấp nhất 2 tháng vào tuần này.

Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được Bộ Lao động công bố hôm 7/4 (giờ Mỹ). Theo khảo sát của Dow Jones, các chuyên gia kinh tế dự báo mức tăng trưởng việc làm trong tháng 3 là 238.000 việc làm, còn tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,6%.

Để kìm hãm lạm phát, ngân hàng trung ương Mỹ buộc phải hạ nhiệt thị trường việc làm và tăng trưởng kinh tế thông qua các điều kiện tài chính thắt chặt. Và điều này giáng đòn mạnh lên giá vàng, chứng khoán và một số tài sản rủi ro, vốn rất nhạy cảm với lãi suất.

Nếu báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Bộ Lao động Mỹ cho thấy thị trường việc làm của Mỹ đã hạ nhiệt, Fed có thể dừng tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới.

Theo dữ liệu của CME Group, đến nay, các thị trường đang định giá khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 5 là 50,5%. Như vậy, kết thúc cuộc họp, khả năng cơ quan hoạch định chính sách của Fed nhất trí giữ lãi suất điều hành ở mức 4,75-5% là 50,5%, và đưa lên vùng 5-5,25% là 49,5%.

Trong cuộc họp tháng 3, Fed nhất trí tăng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 4,75-5%, mức cao nhất kể từ năm 2007. Ngân hàng trung ương Mỹ cũng thể hiện sự thận trọng đối với cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng và cho biết chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc.

Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận rằng những sự kiện mới nhất trong hệ thống ngân hàng Mỹ có thể khiến các điều kiện tín dụng bị thắt chặt hơn. Đó là lý do Fed hạ giọng trong cam kết chống lạm phát.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020